Cảnh báo dịch tay chân miệng dễ bùng phát mùa tựu trường

ANTD.VN - Trong khi dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đã có dấu hiệu “đi ngang” thì số ca nhập viện vì mắc tay chân miệng lại có chiều hướng tăng.

Thời điểm này, Hà Nội đang chạy đua với thời gian trong phòng, chống dịch SXH trước thềm năm học mới với mục tiêu hoàn thành việc phun hóa chất ở 100% trường học. Song theo cảnh báo từ Bộ Y tế, nếu chỉ dồn sức chống SXH thì nhiều dịch bệnh khác, đặc biệt là tay chân miệng sẽ có nguy cơ bùng phát vào mùa tựu trường.

Cảnh báo dịch tay chân miệng dễ bùng phát mùa tựu trường ảnh 1Phun thuốc muỗi tại một trường mầm non ở Hà Nội trước thềm năm học mới

Số mắc đang tăng nhanh

Theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến ngày 21-8, cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 20.063 ca phải nhập viện điều trị. Thế nhưng, con số mới nhất vừa được Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu thông báo thì đến nay, số mắc tay chân miệng đã tăng lên trên 51.218 trường hợp, 23.272 trường hợp phải nhập viện, tức là chỉ trong khoảng 1 tuần qua cả nước ghi nhận thêm hơn 8.000 ca mắc, hơn 3.000 trường hợp nhập viện. 

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập viện do tay chân miệng năm nay tăng 3,4%. Đáng chú ý, số ca mắc tay chân miệng đang có chiều hướng tăng hơn ở vài tuần gần đây và có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh trong vài tuần tới khi bước vào mùa tựu trường. Thời điểm này cũng là mùa của dịch tay chân miệng theo chu kỳ. 

“Hiện vẫn đang cao điểm dịch SXH, tuy nhiên nếu đổ toàn lực vào SXH mà lãng đi việc phát hiện, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm A thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này là hiện hữu”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, sở dĩ bệnh tay chân miệng thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của tay chân miệng thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ… “Chỉ cần một trẻ bị bệnh tay chân miệng là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào”, ông Trần Đắc Phu nói.

Tại Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 12 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu năm đến nay lên 123 ca mắc, chưa có tử vong. Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, không được phép chủ quan với dịch bệnh này. “Hiện vẫn đang cao điểm dịch SXH, tuy nhiên nếu đổ toàn lực vào SXH mà lãng đi việc phát hiện, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm A thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này là hiện hữu”, ông Nguyễn Thanh Long cảnh báo. 

Phun thuốc muỗi xong ở 2.669 trường học trước 5-9

Để phòng chống dịch SXH bùng phát vào mùa tựu trường, hiện nay, Hà Nội đang chạy đua với thời gian trong việc hoàn thành mục tiêu phun hóa chất diệt muỗi ở 100% trường học trước ngày khai giảng năm học mới. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, cùng với việc tiếp tục tổ chức phun thuốc tại ổ dịch và diện rộng ở khu vực công cộng, Hà Nội cũng đang huy động tối đa 22 máy phun hóa chất công suất lớn, hoàn thành việc phun thuốc diệt muỗi tại 2.669 trường học trước ngày 5-9. Cùng đó, ngành y tế cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường phối hợp với các trường học để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa tựu trường, đặt biệt là bệnh tay chân miệng.

Trong khi đó, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, thường gặp ở nhóm trẻ mầm non dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. đáng nói, có đến 71% người lành mang trùng (mang virus nhưng không biểu hiện bệnh) nên rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh thường tăng mạnh vào hai thời điểm trong năm là từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng từ tháng 9 đến tháng 10.

Đây là bệnh vẫn chưa có vaccine dự phòng. Do vậy, để phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ; sau khi hắt hơi, hỉ mũi. Cần thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh...