Bỗng dưng bị nhắc nợ cước, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản lạ, người dùng điện thoại nên làm gì?

ANTD.VN - Hiện tượng mạo danh các cơ quan, đơn vị có uy tín để đòi chuyển tiền tái diễn, dù nhà mạng đã cảnh báo nhiều lần. 

Viettel vừa khuyến cáo khách hàng về tình trạng lừa đảo chuyển tiền 

Là khách hàng của mạng Viettel, bà Nguyễn Thị Thu Dung (Văn Quán- Hà Đông) cho biết: "Tôi về hưu rồi, nhu cầu liên lạc bằng điện thoại cũng không nhiều. Vậy mà có hôm bỗng dưng tôi nhận được cuộc gọi nói nợ tiền cước, cần phải chuyển vào một số tài khoản theo hướng dẫn.

Người gọi giọng khá nghiêm túc, hỏi tôi có phải chủ nhân số điện thoại này không, dùng bao nhiêu lâu rồi... sau đó thông báo nợ cước. Tôi rất bất ngờ!".

Tuy nhiên, vì đã từng đọc báo trên báo chí tình trạng mạo danh các cơ quan, đơn vị uy tín để lừa đảo nên khách hàng này nhờ con hỏi tổng đài trước khi chuyển tiền theo hướng dẫn.

"Thông tin kẻ mạo danh trao đổi với tôi đều không có thật. Nhưng khi tôi gọi lại số điện thoại đã gọi đến thì không ai nghe máy"- bà Thu Dung nói.

Thực tế, tình trạng mạo danh, thực hiện hành vi lừa đảo đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, thời gian gần đây lại tái diễn. Từ giữa năm 2017, khách hàng của VNPT VinaPhone, MobiFone... cũng từng gặp trường hợp tương tự nên nhà mạng đã gửi thông tin cảnh báo tới khách hàng. 

Tuy nhiên, bằng những thủ đoạn tinh vi hơn, những kẻ mạo danh tiếp tục thực hiện hành vi này, lừa đảo không ít người sử dụng điện thoại.

Mới đây, Viettel đã gửi tin nhắn đến khách hàng với nội dung: "Hiện nay xuất hiện tội phạm lừa đảo, dùng thủ đoạn mạo danh tòa án, Công an, Viện kiểm sát, doanh nghiệp viễn thông gọi điện thông báo hoặc đe dọa chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản lạ,nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Viettel khuyến cáo quý khách cảnh giá, thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin và tuyệt đối không chuyển tiền khi thấy các dấu hiệu lừa đảo nêu trên".

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, mặc dù nhà mạng liên tiếp cảnh báo không nên chuyển tiền vào các tài khoản lạ để tránh mất tiền oan, nhưng không ít người vẫn trở thành nạn nhân.

"Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Thử hình dung, là một người ít đọc báo, nghe đài hay không đọc tin nhắn của nhà mạng mà bỗng dưng có người xưng là Công an, là người của Viện kiểm sát... gọi nhắc nợ tiền với thái độ nghiêm túc, chắc chắn sẽ có nhiều người hốt hoảng, nghi ngờ người nhà đã dùng điện thoại của mình để chơi, để tải các ứng dụng tiêu tốn tiền cước... nên chuyển tiền ngay để tránh phiền phức.

Người dùng bị mắc bẫy không phải ít. Trong mọi trường hợp, người dùng cần bình tĩnh, tỉnh táo kiểm tra lại thông tin trước khi mất tiền oan"- vị chuyên gia khuyến cáo.