Biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc: Khách hàng được lợi hay chịu thiệt?

ANTD.VN - Phương án tính biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc vừa được đề xuất thay thế biểu giá điện 6 bậc hiện hành đang được các chuyên gia tán thành. Nhưng, liệu trong cách tính mới này, mối quan hệ lợi ích giữa khách hàng - Nhà nước - doanh nghiệp có được đảm bảo? Người tiêu dùng vốn là những khách mua điện trực tiếp sẽ được lợi hay bị thiệt?

Phương án giá điện sinh hoạt mới liệu đã hợp lý hơn?

Hộ tiêu thụ ít điện sẽ tăng chi phí

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lấy ý kiến về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam. Theo đó, phương án được các chuyên gia tán thành là giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được chia làm 5 bậc, thay vì 6 bậc hiện hành. PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội) - đơn vị tư vấn cho biết, với phương án giá điện chia làm 5 bậc, bậc 1 từ 0-100kWh, giá bán lẻ vẫn bằng 95% so với giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 2 từ 101-200kWh, giá bán lẻ bằng 113% giá bán lẻ điện bình quân.

Bậc 3 từ 201-400 kWh bằng 127% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 4 từ 401-700kWh, giá bán lẻ bằng 139% giá bán lẻ điện bình quân và bậc 5 từ 701 kWh trở lên, giá bán lẻ bằng 155% giá bán lẻ điện bình quân. So với phương án 6 bậc thang hiện hành, phương án biểu giá 5 bậc thang giữ nguyên bậc thang thứ hai, từ 101-200kWh/tháng, vì tỷ lệ hộ gia đình tiêu dùng điện trong khoảng này cao nhất, ít gây ảnh hưởng nhất. “Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn, phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay, hơn nữa 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình” - PGS. TS Bùi Xuân Hồi nói.

Đề xuất trên của nhóm nghiên cứu dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có khảo sát về nhu cầu tiêu dùng điện và thu nhập thực tế của khách hàng. Cụ thể, các hộ tiêu thụ điện có sản lượng từ 101-200 kWh/tháng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất (37% năm 2018), trong khi nhóm có số lượng hộ ít nhất tiêu dùng trong khoảng 301-400 kWh/tháng (5,3%). Về xu hướng 2 bậc đầu tiên số lượng hộ đã giảm dần và rõ rệt, trong khi đó số lượng hộ tiêu dùng trên 100 kWh/tháng tăng lên qua các năm.

“Giá điện tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội nên rất nhạy cảm. Chúng ta sắp tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, do đó, giá điện cần phải đảm bảo được lợi ích của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích cho người đầu tư. Cần phải có chính sách tốt, để thu hút đầu tư vào ngành điện”.

TS. Lê Hồng Tịnh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội )

Như vậy khi tính lũy kế có tới 72,5% số hộ sinh hoạt có sản lượng tiêu dùng dưới 200kWh/tháng và 93% dưới 400 kWh/tháng (năm 2018), tức là chỉ có 7% số lượng hộ gia đình tiêu dùng trên 400 kWh/tháng. Những hộ tiêu dùng dưới 100kWh/tháng đang trả giá điện thấp hơn giá thành bình quân EVN công bố; 72% hộ tiêu dùng sinh hoạt tương ứng với 40-47% sản lượng điện tiêu dùng sinh hoạt đang được hưởng mức giá thấp hơn giá thành bình quân. Trong khi đó, các hộ tiêu dùng từ 300 kWh trở lên (10% đến 13% tổng số hộ sinh hoạt) phải trả mức giá cao hơn so với giá thành bình quân của ngành điện (128,6% năm 2016, 128,64% năm 2017 và 130,6% năm 2018). 

Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là những điểm bất hợp lý cần phải thay đổi trong cách tính biểu giá điện sinh hoạt mới. Và phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc đã khắc phục được phần lớn những hạn chế này. Cụ thể, các hộ gia đình tiêu thụ dưới 100 kWh điện/tháng sẽ chịu mức giá chỉ bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân. Các bậc thang khác, người dân sẽ phải chịu mức giá cao hơn giá bán điện bình quân theo Quyết định 28 của Chính phủ.

Về chi phí phương án đề xuất so với phương án hiện hành, các hộ tiêu thụ ở bậc 1, bậc 2 sẽ tăng thêm gần 2.800 đồng/tháng. Các hộ tiêu dùng ở bậc 3 tăng thêm gần 8.400 đồng/tháng. Trong khi đó, nhóm tiêu dùng ít điện hơn từ bậc 4 giảm hơn 12.118 đồng/tháng; bậc 5 giảm 62.458 đồng/tháng; bậc 6 giảm 174.325 đồng/tháng và bậc 7 (mới đề xuất áp dụng cho hộ tiêu dùng trên 700 kWh/tháng) sẽ giảm 189.240 đồng/tháng. Với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, doanh thu của EVN được cho là sẽ giảm không đáng kể. 

Vẫn cần cải tiến

Tán thành cách chia biểu giá điện sinh hoạt làm 5 bậc thang, nhưng ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, việc sắp xếp hệ số, bước nhảy từng bậc của giá thành so với bước nhảy của giá trong phương án đề xuất chưa thực sự gắn kết, rõ nét. “Cần xem khoảng cách giá với mối quan hệ tương ứng với khoảng cách về lượng. Chúng ta đã thấy, đợt điều chỉnh giá điện ngày 20-3 vừa qua “có vấn đề”. Bước nhảy về sản lượng từng bậc khác bước nhảy về giá từng bậc, gây bức xúc trong nhân dân nên cần khắc phục” - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nói. 

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, việc xây dựng giá điện cần phải đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí cho người sử dụng điện, thuận lợi trong quản lý ngành, thuận lợi trong kiểm tra giám sát của hộ tiêu dùng điện, nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện… góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội đối với việc điều hành giá điện của Nhà nước.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa không đồng tình với phương án bán điện dưới giá thành, mà nên bán bằng giá thành đối với nhóm tiêu thụ ít điện nhất. “Tôi đồng tình với quan điểm của Đề án là buộc người tiêu dùng phải trả đúng chi phí, đồng thời góp phần san phẳng đồ thị phụ tải, giúp ngành điện hoạt động hiệu quả hơn. Sử dụng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện. Điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên…).

Điều này cần được nhấn mạnh hơn nữa mới giải đáp được những quan điểm phê phán cách định giá điện hiện nay. Cụ thể là phê phán giá điện đang đi ngược với nguyên tắc của cơ chế thị trường “càng mua nhiều thì giá càng rẻ, nhưng riêng điện thì càng mua nhiều càng đắt”. Cũng chính điều này mới làm rõ cho công luận hiểu vì sao lại không quy định giá điện sinh hoạt đồng giá như nhiều ý kiến đặt ra” - ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phương án giá điện sinh hoạt 5 bậc là chấp nhận được. Tuy nhiên, về mặt xã hội, cách tính này có thể gây nhiều ý kiến trái chiều khi nhóm khách hàng dùng ít điện nhất lại bị tăng tiền, còn nhóm dùng nhiều tiền lại được giảm.

“Đại bộ phận người tiêu dùng phải trả thêm tiền điện, dù chi phí tăng thêm với nhóm này là không lớn, nhưng khi người dùng nhiều lại được giảm giá tiền sẽ gây bức xúc. Trong khi đó, với người có thu nhập cao, tiêu dùng nhiều điện, số tiền giảm được lại không đáng gì nên cần cân nhắc lại” - ông Nguyễn Đình Cung góp ý. Cũng theo chuyên gia kinh tế này, cần phải cho người dân thấy sức ép giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của EVN. 

TS. Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng: “Giá điện tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội nên rất nhạy cảm. Chúng ta sắp tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, do đó, giá điện cần phải đảm bảo được lợi ích của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích cho người đầu tư. Cần phải có chính sách tốt, để thu hút đầu tư vào ngành điện” - ông Lê Hồng Tịnh nhấn mạnh. Về việc luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, vị này cho rằng, nên mạnh dạn đề xuất thực hiện bởi điều chỉnh giá có thể tăng, có thể giảm, tùy thuộc vào đầu vào…