Bị sờ soạng trên xe buýt: Cần phản ứng ra sao?

ANTD.VN - Xe buýt là phương tiện di chuyển công cộng đang rất phổ biến, với đặc điểm đông người và lộn xộn nên nhiều kẻ "biến thái" đã lợi dụng việc này để thực hiện hành vi sàm sỡ. Song, rất ít những nạn nhân bị sàm sỡ lên tiếng và phản ứng lại, điều này càng tạo điều kiện cho những kẻ "biến thái" "lộng hành". Dưới đây là cách xử lý khi bị sàm sỡ trên xe buýt. 

Đối phó với “yêu râu xanh”

Diễn giả Huỳnh Minh Thuận - chuyên gia "gỡ rối" những tình huống oái oăm cho các bạn trẻ - chia sẻ trên Khám phá, tuỳ vào mức độ của "yêu râu xanh" mà các bạn nữ đi xe buýt có thể thực hiện các cách sau.

Cách 1: Áp dụng khi những kẻ "biến thái" chỉ dừng lại ở mức độ cố tình va chạm cơ thể nhưng chưa đến mức lộ liễu hay cố tình va chạm vào những vùng nhạy cảm. Các bạn hãy thay đổi vị trí tránh ra xa hắn đồng thời nhìn thẳng vào mắt tên này để bày tỏ thái độ cảnh cáo.

Cách 2: Nếu "dê xồm" vẫn tiếp tục cố tình va chạm vào những vùng nhạy cảm thì bạn hãy giậm mạnh gót giày của mình vào chân hắn. Lưu ý là ánh mắt bạn vẫn nhìn thẳng vào hắn thể hiện thông điệp: "Tôi sẵn sàng trả đũa nếu anh tiếp tục có hành động như vậy."

Cách 3: Đây là biện pháp mạnh khi thấy yêu râu xanh có dấu hiệu sử dụng "vũ lực" tấn công bạn. Lúc này, hãy la lên cho tất cả những người trên xe biết, nhất là nhờ sự hỗ trợ của phụ xe và lái xe.

Không chỉ những bạn nữ mà những bạn nam cũng có thể bị sàm sỡ, các bạn cũng có thể áp dụng những cách trên để bảo vệ bản thân. 

Một trong những điều khiến sinh viên sợ hãi khi đi xe buýt là nạn sàm sỡ, quấy rối tình dục. Ảnh: Gia Khiêm

Những kẻ "biến thái" bị xử lý như thế nào?

Đối với hành vi cố tình va chạm, sờ soạng thì theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo quy định này thì đối với hành vi như trên sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bên cạnh đó, nếu hành vi sàm sỡ, quấy rồi nhằm mục đích để để nạn nhân cảm thấy nhục nhã trước đám đông, nơi công cộng thì có thể cấu thành tội Làm nhục người khác. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất ở tội này có thể lên đến 5 năm tù.

Ngoài ra, trong trường hợp có hành vi dâm ô, đụng chạm vào vùng kín với người dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cao nhất ở tội này là 12 năm tù.

Nạn nhân của hành vi quấy rối thường bị ám ảnh trong thời gian dài. Ảnh cắt từ clip