Bị rắn độc cắn: Sơ cứu thế nào mới đúng cách

ANTD.VN - Tại Cần Thơ, trong những ngày qua triều cường sông Hậu dâng cao gây ngập lụt nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Khi nước dâng, cũng là thời điểm người dân Cần Thơ bị ám ảnh bởi rắn độc xuất hiện, nhiều người phải nhập viện và để lại những biến chứng hết sức nguy hiểm. Vậy khi bị rắn độc cắn phải làm gì, sơ cứu như thế nào trước khi đến cơ sở y tế.

Theo thượng tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó giám đốc Trung tâm nuôi trồng chế biến dược liệu thuộc Quân khu 9 (Trại rắn Đông Tâm – Tiền Giang), trong những ngày gần đây số người bị rắn độc cắn đến điều trị tại Trung tâm tăng 20% so với ngày thường. Đặc biệt, từ tháng 8 đến nay, có hơn 350 ca bị rắn độc cắn trong tình trạng nguy kịch.

Clip: Nỗi ám ảnh bị rắn độc cắn bất ngờ trong mùa lũ miền Tây. (Nguồn: Báo Thanh niên) 

Rắn cắn – Câu chuyện thường gặp vào mùa lũ.

Vào mùa nước lũ, đa phần người dân ở miền Tây bị rắn hổ mang đất và rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn. Đây là hai loại rắn phổ biến ở miền Tây, những ngày nước lũ, rắn bị mất chỗ ở nên việc di chuyển của chúng rất khó lường và đặc biệt hung dữ.

Rắn lục có khả năng ngụy trang gần giống với màu lá, mầu thân cây nên người dân khó phát hiện để phòng ngừa. Bên cạnh họ rắn lục, ở nước ta cũng thường xuất hiện họ rắn hổ như rắn hổ mang với các loại như rắn hổ mang thường và rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong cạp nia,… Đây đều là những loại rắn độc, có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Người dân có thể phân biệt được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào một số đặc điểm nhận dạng của rắn

 Để phân biệt rắn độc và rắn không độc, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết điều này nhiều khi rất khó. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng), rắn cạp nong (thân mình 'khúc vàng khúc đen'), rắn cạp nia (thân mình 'khúc trắng khúc đen'), họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác).

Ngoài ra, rắn độc có thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Răng độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt.

Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương mắt, có thể từ đó gây nhiễm độc toàn thân.

Nhận diện rắn độc và rắn thường qua vết cắn

Có thể phân biệt rắn cắn qua những vết cắn

Để xác định vết rắn cắn có thể dựa vào dấu răng ngay tại hiện trường và những dấu hiệu triệu chứng tại chỗ:

Đối với rắn độc cắn: Thường có hai dấu răng, hay dân gian thường gọi đó là hai dấu móc độc. Khi rắn cắn xong, sẽ để lại ngay trên da, kèm theo những triệu chứng rõ rệt như đau nhức, tê buốt, sưng nề, chảy máu. Nếu phát hiện muộn, sẽ xuất hiện các triệu chứng toàn thân. Như đối với họ rắn hổ, sẽ làm tổn thương hệ thần kinh, làm bệnh nhân liệt chi, sụp mi mắt, nói ngọng, suy thở, gây hôn mê.

Đối với họ rắn lục, thường làm tổn thương về máu như rối loạn cơ chế đông máu, gây xuất huyết tại chỗ, xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, hay xuất huyết nội tạng, suy thận. Bệnh nhân cũng có thể tiểu tiện, đại tiện ra máu.

Đối với rắn lành: Không có hai dấu răng, mà sẽ là cả hàm răng hình cung ngay trên da, gây tổn thương nông, có thể gây rớm máu, dấu răng sẽ mất sau 2-3 giờ đồng hồ, ít có triệu chứng tại chỗ như sưng nề, đau nhức, nóng, đỏ như rắn hổ và rắn lục cắn.

Dấu hiệu nhận biết rắn cắn bao gồm: Tại chỗ đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen trên da (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Tuy nhiên, vết cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.

Sơ cứu tại chỗ khi rắn cắn

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sau khi bị rắn độc tấn công thì cần tiến hành sơ cứu ngay, trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Cụ thể, các bước sơ cứu rắn độc cắn được thực hiện theo trình tự sau:

Khi bị rắn cắn cần sơ cứu tại chỗ cho bệnh nhân trước khi chuyển đến bệnh viện

-Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn, màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công.

- Để nạn nhân nằm yên và trấn an, nếu cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc độc đến tim nhanh hơn.

- Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu, trừ khi biết chắc loài rắn đã cắn có nọc độc tác động đến thần kinh.

- Nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức như nhẫn, vòng ở vùng bị cắn.

- Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp. Nếu bệnh nhân thở nhanh, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.

- Nếu bệnh nhân bị hoại tử tại vết cắn, cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.

- Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.

- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.

Một số điều cần lưu ý:

- Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc, bệnh nhân có thể tử vong lập tức.

- Bệnh nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây... lên vết cắn.

- Cách tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương, băng quấn kín vết thương bình thường để không tạo áp suất và gây bầm tím, hoặc băng nẹp giống như khi gãy chân tay.

- Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Trước đây, Việt Nam chưa sản xuất được huyết thanh, vì vậy tỉ lệ bị rắn cắn dẫn đến tình trạng tử vong rất cao. Nhưng từ năm 2004, huyết thanh được sử dụng rộng rãi hơn. Do vậy, tỉ lệ người chết do rắn cắn đã giảm đáng kể. Tại các khoa chống độc của các bệnh viện đều có các huyết thanh để xử lý hiệu quả những trường hợp bị rắn độc cắn. Đặc biệt điều trị rắn cắn tại Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 được hoàn toàn miễn phí.