Bí quyết chinh phục học trò cá biệt

ANTD.VN - Ngôi trường Lê Thanh thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội những ngày qua đã thành cái tên được nhiều người biết đến với mô hình câu lạc bộ “Goodbye Game” của thầy Hoàng Đức Mạnh. Dù quy mô không lớn nhưng mô hình là một bằng chứng cho thấy, nếu thực sự tâm huyết, thầy cô giáo nào cũng có thể đem đến niềm vui vô giá đến mỗi gia đình nói riêng và xã hội nói chung.

Chuẩn bị cho không khí Tết Nguyên đán 2020, câu lạc bộ có cái tên đặc biệt “Goodbye Game” của thầy trò trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lại hào hứng với những hoạt động ý nghĩa dành cho các hội viên đặc biệt của câu lạc bộ này.  

Kéo học trò trở về từ thế giới ảo

Để có một cái Tết ấm áp sắp đến, thầy Hoàng Đức Mạnh, giáo viên trường THCS Lê Thanh, người sáng lập ra câu lạc bộ 6 năm nay cho biết, các bạn sẽ tham gia quyên góp tiền, trực tiếp gói bánh chưng cùng nhà trường để chia sẻ yêu thương đến các học sinh còn khó khăn nhưng có ý chí vươn lên.

Giới thiệu về việc hình thành câu lạc bộ duy nhất chỉ có ở trường này, thầy Mạnh cho biết, khi được giao làm chủ nhiệm lớp học cá biệt của trường, thầy Mạnh vừa lo vừa phấn khởi. Lo vì thầy chưa biết mình cần làm gì để gần gũi với các em nhưng vẫn giữ được sự nghiêm khắc của nhà giáo. Phấn khởi vì thầy có cơ hội được làm điều gì đó thiết thực giúp các em thay đổi để sau này vững tin bước vào đời.

Tiếp xúc với học trò hàng ngày, thầy Mạnh nhận ra các em học sinh cá biệt rất thông minh nhưng lại thiếu sự quan tâm của gia đình. Vì thế, thầy cố gắng bù đắp những tình cảm gia đình mà các em đang thiếu hụt, cùng các em giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. 

Cũng chính vì thiếu sự quan tâm sâu sát của gia đình mà khá nhiều học sinh cá biệt thường gặp phải cùng một vấn đề xã hội là nghiện chơi game. Theo thầy Mạnh, chơi game cũng có những mặt tích cực trong phát triển tư duy nhưng nếu quá ham sẽ bị cuốn vào lối sống ảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý.

Thầy tìm gặp những em ham chơi game để bàn bạc và đi đến thành lập Câu lạc bộ “Goodbye Game”. Thầy dùng từ “goodbye” với ý các em chỉ tạm biệt game để tập trung học trước đã, chứ thầy không buộc các em bỏ hẳn game.

Bên cạnh đó, thầy Mạnh thường xuyên theo sát, tìm hiểu gia cảnh từng bạn để có tác động phù hợp. “Các em đều là những học sinh cá tính, muốn thuyết phục các em thì phải hiểu tâm lý, giáo dục các em bằng những biện pháp mềm dẻo, tuyệt đối không trách mắng, phạt nặng. Người thầy phải có tình yêu thực sự với học trò, kiên nhẫn, coi học sinh như những người bạn, người em, người con trong gia đình của mình, các em sẽ cảm nhận được và gắn bó với thầy cô, từ đó các em sẽ nghe lời, tiến bộ” - thầy Mạnh chia sẻ.

Trong số những học sinh cá biệt của thầy Mạnh có em Hoàng Thế Tài, hoàn cảnh đặc biệt. Bố mẹ em bỏ nhau, bố thường đi công tác xa. Em luôn nghịch ngợm quậy phá trong lớp, suốt ngày bỏ học đi chơi game. Em từng tâm sự với thầy có những khi em thấy hoàn toàn chán nản và bế tắc trước cuộc sống hiện tại.

Thấu hiểu hoàn cảnh của em nên khi Tài mắc lỗi thầy không hề trách mắng. Ngược lại, thầy còn giao em làm lớp trưởng. Khi tổ chức câu lạc bộ “Goodbye Game”, thầy lại giao cho em làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Cũng chính nhờ sự quan tâm, chia sẻ của thầy Mạnh mà Hoàng Thế Tài đã hoàn toàn bỏ được thói quen chơi game mà chuyên tâm vào học tập. 

Câu lạc bộ “Goodbye Game” đầu tiên có 17 học sinh, trong đó có tới 15 em thường xuyên chơi games, sau đó, mở rộng toàn trường với hơn 40 học sinh. Không phải 100% các em đều thành công trong việc bỏ chơi game nhưng có tới 95% các em đã vượt qua giai đoạn này để trở thành những công dân có ích hiện nay. 

Những bài học lịch sử đem đến khát vọng vươn lên

Nói về thầy giáo Hoàng Đức Mạnh, giáo viên trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Văn Ban, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thầy giáo Hoàng Đức Mạnh là giáo viên cốt cán của trường và của huyện với kinh nghiệm nhiều năm công tác, đào tạo nhiều học sinh giỏi của trường và của huyện. 

Là giáo viên Lịch sử, thầy Mạnh có tình yêu đặc biệt với môn học này, chính vì vậy thầy cũng rất thành công trong việc truyền thụ tình yêu lịch sử cho học trò. Nhiều năm được lựa chọn làm giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường, của huyện, thầy Mạnh đã ghi dấu ấn với những danh hiệu học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố ở môn Lịch sử.  Mới đây nhất, năm học 2018-2019, đội tuyển môn Lịch sử của thầy Mạnh đã  giành được 2 giải nhất cấp thành phố, lọt vào tốp đầu các đội tuyển giỏi của Hà Nội.

Điều đáng nói là thầy Mạnh không chỉ tuyển những học sinh chăm ngoan, học giỏi vào đội tuyển mà còn thuyết phục được cả những học sinh cá biệt từ tình trạng học hành bê trễ rồi đến khi tự nhận thức, mong muốn được thay đổi và tự nguyện xin vào đội tuyển để rèn luyện. Năm học này, 3 thành viên câu lạc bộ được vào đội tuyển và giành giải cấp huyện, trong đó, em Trương Đức Phong, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ giành giải Nhì và được vào đội tuyển của huyện đi dự thi cấp thành phố môn Lịch sử.

Một trong những ví dụ thành công của thầy Mạnh chính là trường hợp Hoàng Thế Tài. Thầy Mạnh đã mạnh dạn đưa Tài vào đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử do thầy giảng dạy. Để truyền cảm hứng môn học cho trò, thầy Mạnh chọn những thời điểm đặc biệt đưa Tài đi tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng. 

Nhớ lại những kỷ niệm trước đây, Tài kể: Hôm sinh nhật em, cũng là chủ nhật, thầy xin phép gia đình em đưa em đi tham quan rất nhiều nơi: Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác, hồ Tây, trường Chu Văn An. Qua mỗi nơi thầy lại kể cho Tài về lịch sử những địa danh ấy. Từ đó, thầy gieo vào lòng em niềm tin tưởng trên con đường học vấn.

Tài ngày càng tự tin và mong muốn phấn đấu vươn lên. Em bỏ chơi game để tập trung học và đỗ học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử. Hiện nay, em là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Giao thông vận tải. Ở trường đại học, Tài là cán bộ Đoàn năng động, là sinh viên tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện. Em trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh trường THCS Lê Thanh noi theo.

Lê Văn Quỳnh, cựu học sinh THCS Lê Thanh cũng từ một học sinh cá biệt, thường xuyên bỏ học, khá ngỗ nghịch nhưng đã hoàn toàn được thầy Mạnh thuyết phục nên đã chủ động xin được vào đội tuyển Lịch sử để được rèn luyện, thay đổi bản thân. “Quỳnh đã từng bỏ học 2 năm, lang thang kiếm tiền nhưng khi quay về đi học trở lại, tôi đã giao nhiệm vụ lớp trưởng cho em. Dần dần Quỳnh đã thay đổi ý thức, ham học, đoạt giải Ba cấp huyện môn Lịch sử. Quỳnh hiện đã trưởng thành, có sự nghiệp và là người luôn có trách nhiệm với cộng đồng” - thầy Mạnh cho biết.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Hoàng Đức Mạnh nhấn mạnh, việc khuyến khích các em theo học Lịch sử với cá nhân thầy không hề hướng tới thành tích mà quan trọng hơn là hướng tới việc dạy người, giúp các em có mục tiêu, có nỗ lực, có phương pháp học tập để đạt hiệu quả tốt, khẳng định bản thân. Chính vì điều này mà trong buổi gặp mặt cựu học sinh tiêu biểu của trường, Hoàng Thế Tài đã chia sẻ: “Em luôn nhớ lời thầy vẫn nhắn nhủ rằng không chỉ cố gắng thành công mà hãy trở thành người có giá trị, điều này đã định hướng những bước đi của em hiện nay và cả trong tương lai”.