Bí ẩn thế giới tâm thần (2): Làm sao để biết đã mắc bệnh tâm thần?

ANTD.VN - Chia tay người yêu, đau khổ vật vã rồi bỗng nhiên mất ngủ triền miên cả tháng liền, cô gái xinh đẹp ở độ tuổi 30 chẳng ngờ bản thân đã bị rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ, và cần được sự hỗ trợ y tế từ chuyên khoa tâm thần. Trước đó, cô chưa từng nghĩ mình sẽ phải đặt chân tới bệnh viện tâm thần chỉ vì… mất ngủ.

“Bệnh tâm thần không phải là… bệnh thần kinh!”

N.U (quê Vĩnh Phúc) năm nay ngoài 30 tuổi, song chưa lập gia đình. Là cô gái nổi tiếng xinh đẹp, N.U thực sự phải chịu những áp lực không nhỏ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… với câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?”

Cao điểm của áp lực đó là khi N.U chia tay người yêu, khiến cô càng suy nghĩ nhiều, và hậu quả là những đêm mất ngủ triền miên. Tới khi không thể ngủ được suốt nhiều ngày trời, dù đầu óc mệt mõi rã rời, và đã thử qua đủ cách dân gian như dùng tâm sen, mát-xa…, U. mới cảm thấy sợ hãi và nghĩ tới việc gặp bác sĩ.

Nhưng trong suy nghĩ ban đầu, U. nghĩ bản thân bị mắc… bệnh thần kinh, và loay hoay tìm kiếm nơi chữa trị. Sau đó, may mắn là qua lời giới thiệu của người quen, U. đã tới Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), và được gặp đúng y bác sĩ chuyên khoa để hỗ trợ.

Trường hợp của nữ bệnh nhân trên chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh hiểu nhầm về bệnh tâm thần.

Bí ẩn thế giới tâm thần (2): Làm sao để biết đã mắc bệnh tâm thần? ảnh 1
 

TS. BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị Stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - giải thích: Nhiều người bị nhầm lẫn ngay từ khái niệm, khi gọi “bệnh nhân tâm thần” là “bệnh nhân thần kinh”. Chức năng tâm thần, bao gồm nhiều chức năng phản ảnh thực tại khách quan, là sự tổng hợp nhiều chức năng: Cảm giác, giác quan, tư duy, trí nhớ, tri giác, ý thức…. (có thể hiểu như “phần mềm” trong cỗ máy vi tính). Vì nhiều nguyên nhân nào đó mà các chức năng đó rối loạn gây ra bệnh tâm thần.

Trong khi đó, bệnh thần kinh thường do các nguyên nhân khác nhau như: Nhiễm khuẩn, khối u, tai biến mạch máu não, chấn thương… làm tổn thương mô thần kinh (hiểu nôm na như “phần cứng”), gây rối loạn chủ yếu trong chức năng tiếp thu và thực hiện của con người (tê, liệt, điếc, mù….).

Theo bác sĩ Tâm, hiểu lầm nói trên chỉ là một trong vô số hiểu lầm khác nhau về bệnh tâm thần đang tồn tại phổ biến trong xã hội.

“Trong tâm thần có khoảng 300 mã bệnh khác nhau. Chỉ rất ít bệnh trong số những bệnh đó có biểu hiện bằng triệu chứng loạn thần (“hâm”), còn đa số là bệnh nhân vẫn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, trí lực còn nhưng bị rối loạn các chức năng khác (cảm xúc, trí nhớ, ….). Nên nhiều người hiểu sai rằng phải “hâm” thì mới là bệnh tâm thần. Thậm chí, có những người cho rằng bệnh do tà ma gây nên, rồi chọn giải pháp mê tín dị đoan, tiền mất tật mang, rất đáng thương và đáng trách!”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Giải mã bí ẩn thế giới tâm thần

Bác sĩ Dương Minh Tâm chỉ rõ, những bệnh tâm thần thường gặp gồm:

- Loạn thần thực tổn (rối loạn tâm thần liên quan các bệnh nội tiết, chấn thương, thoái triển não: Alzheimer, Pick...).

- Loạn thần nội sinh (tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn cảm xúc...)

- Các rối loạn tâm thần liên quan đến stress (tâm căn, rối loạn cơ thể tâm sinh, trạng thái phản ứng).

- Các rối loạn tâm thần do cấu tạo thể chất bất thường và sự phát triển tâm thần bệnh lý (nhân cách bệnh, chậm phát triển tâm thần...).

- Các rối loạn tập tính hành vi ở thanh thiếu niên (hành vi bạo lực, xâm phạm, rối loạn sự học tập...)

- Rối loạn ăn uống.

- Loạn chức năng tình dục khụng thực tổn.

- Các rối loạn lo âu, ám ảnh sợ.

- Các rối loạn phân định giới tính.

- Lạm dụng và nghiện chất (lạm dụng rượu, nghiện rượu, loạn thần do rượu, lạm dụng ma tuý, nghiện ma tuý, thuốc lá...).

Bí ẩn thế giới tâm thần (2): Làm sao để biết đã mắc bệnh tâm thần? ảnh 2

Người bệnh có vấn đề về sức khỏe tâm thần được thăm khám bằng máy móc hiện đại

Chi tiết hơn, theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi (ICD-10), quyển “Mô tả lâm sàng và nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán” phục vụ chủ yếu cho công tác chẩn đoán, thì bệnh tâm thần bao gồm khoảng 300 mã bệnh. Phiên bản bao gồm từ F0-F9:

* F0-F09: Các rối loạn tâm thần thực tổn, bao gồm cả rối loạn tâm thần triệu chứng

Phần này bao gồm những rối loạn tâm thần có chung căn nguyên rõ rệt là bệnh ở não, chấn thương hoặc thương tổn khác dẫn tới rối loạn chức năng não. Rối loạn chức năng có thể là nguyên phát như trong các bệnh lý não, các chấn thương hoặc các thương tổn tác động trực tiếp hoặc ưu thế trên não; hoặc thứ phát như trong các bệnh lý hệ thống và các rối loạn tác động lên não do bệnh ở một trong những cơ quan hoặc những hệ thống của cơ thể có liên quan.

Các phần của chương này bao gồm:

+ Mất trí trong bệnh: Alzheimer; bệnh mạch máu; các bệnh lý khác được xếp loại ở chỗ khác (Pick, Huntington…) và mất trí không biệt định;

+ Hội chứng quên thực tổn, không do rượu và các chất tác động tâm thần khác;

+ Sảng không do rượu và chất tác động tâm thần khác;

+ Các rối loạn tâm thần khác do tổn thương não, rối loạn chức năng não và bệnh cơ thể;

+ Rối loạn hành vi và nhân cách do bệnh lý não, tổn thương não và rối loạn chức năng não;

+ Rối loạn tâm thần triệu chứng hoặc thực tổn, không biệt định.

* F10-19: Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần

Phần này bao gồm nhiều rối loạn đa dạng có mức độ trầm trọng khác nhau, đi từ nhiễm độc không biến chứng và sử dụng gây hại đến các rối loạn loạn thần và mất trí rõ rệt, nhưng tất cả đều được cho là sử dụng một hay nhiều chất tác động tâm thần, các chất đó có thể được hoặc không được ngành y tế kê đơn.

Các phần của chương này bao gồm:

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất dạng thuốc phiện;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các thuốc an dịu hoặc các thuốc ngủ;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cocaine;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất kích thích khác bao gồm caffeine;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất gây ảo giác;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các dung môi dễ bay hơi;

+ Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng nhiều loại ma túy và sử dụng các chất tác động tâm thần khác.

Bí ẩn thế giới tâm thần (2): Làm sao để biết đã mắc bệnh tâm thần? ảnh 3

Phương pháp điều trị tích cực tại phòng thư giãn luyện tập

* F20-29: Bệnh tâm thần phân liệt, các rối loạn loại phân liệt và các rối loạn hoang tưởng

Bệnh tâm thần phân liệt là rối loạn thường gặp nhất và quan trọng nhất của nhóm này. Rối loạn phân liệt có nhiều nét đặc trưng của các rối loạn phân liệt và có thể liên quan với chúng về mặt di truyền; tuy nhiên không có ảo giác, hoang tưởng và các rối loạn tác phong trầm trọng của bản thân bệnh tâm thần phân liệt và do vậy không phải lúc nào cũng được thầy thuốc chú ý đến. Đa số các rối loạn hoang tưởng có lẽ không liên quan với bệnh tâm thần phân liệt mặc dù có thể khó phân biệt chúng về mặt lâm sàng, đặc biệt trong các giai đoạn đầu. Các rối loạn phân liệt cảm xúc được ghi ở phần này mặc dù tính chất của nó đang còn được tranh luận.

Các phần của chương này bao gồm:

+ Bệnh tâm thần phân liệt;

+ Các rối loạn loại phân liệt;

+ Các rối loạn hoang tưởng dai dẳng;

+ Các rối loạn loạn thần cấp và nhất thời;

+ Rối loạn hoang tưởng cảm ứng;

+ Các rối loạn phân liệt cảm xúc;

+ Rối loạn loạn thần không thực tổn khác;

+ Bệnh loạn thần không thực tổn không biệt định.

* F30-39: Rối loạn khí sắc (cảm xúc)

Trong những rối loạn này, rối loạn cơ bản là một sự thay đổi khí sắc hay cảm xúc thường chuyển sang trầm cảm, có hay không có lo âu kèm theo, hoặc chuyển sang hưng phấn. Sự thay đổi khí sắc này thường kèm theo một sự thay đổi toàn bộ hoạt động và đa số các triệu chứng khác hoặc thứ phát hoặc được hiểu một cách dễ dàng trong bối cảnh các thay đổi nói trên.

Đa số những rối loạn này có khuynh hướng tái diễn và khởi đầu các giai đoạn của từng cá nhân thường có liên quan đến các sự kiện hoặc hoàn cảnh gây stress. Phần này có liên quan đến rối loạn khí sắc ở tất cả các nhóm tuổi; do vậy các rối loạn xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên cần được ghi theo mã này.

Các phần của chương này bao gồm:

+ Giai đoạn hưng cảm;

+ Rối loạn cảm xúc lưỡng cực;

+ Giai đoạn trầm cảm;

+ Rối loạn trầm cảm tái diễn;

+ Các trạng thái rối loạn khí sắc (cảm xúc) dai dẳng;

+ Các rối loạn khí sắc (cảm xúc) khác;

+ Rối loạn khí sắc (cảm xúc) không biệt định.

* F40-48: Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể

Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể được xếp chung vào một nhóm lớn vì lý do lịch sử đã xếp chúng vào quan niệm bệnh tâm căn và do có sự kết hợp với một tỷ lệ quan trọng các rối loạn này với nguyên nhân tâm lý.

Sự hỗn hợp các triệu chứng là phổ biến, trầm cảm cùng tồn tại với lo âu là thường gặp nhất, đặc biệt các thể ít trầm trọng hơn của các rối loạn này hay gặp trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên cần phải cố gắng để xác định hội chứng nào là hội chứng ưu thế, không nên đưa ra một quyết định gượng ép.

Các phần của chương này bao gồm:

+ Các rối loạn lo âu ám ảnh sợ;

+ Rối loạn lo âu khác;

+ Rối loạn ám ảnh nghi thức;

+ Phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng;

+ Các rối loạn phân ly;

+ Các rối loạn dạng cơ thể;

+ Các rối loạn tâm căn khác.

Bí ẩn thế giới tâm thần (2): Làm sao để biết đã mắc bệnh tâm thần? ảnh 4

Những động tác vận động nhẹ nhàng có tác dụng rất tích cực lên người bệnh

* F50-59: Các hội chứng hành vi kết hợp với các rối loạn sinh lý và các nhân tố cơ thể

Các phần của chương này bao gồm:

+ Các rối loạn ăn uống;

+ Các rối loạn giấc ngủ không thực tổn;

+ Loạn chức năng tình dục không do rối loạn/bệnh thực tổn;

+ Các rối loạn hành vi và tâm thần kết hợp với thời kỳ sinh đẻ, không phân loại ở nơi khác;

+ Các nhân tố tâm lý và hành vi kết hợp với rối loạn hoặc bệnh phân loại ở nơi khác;

+ Lạm dụng các chất không gây nghiện;

+ Các hội chứng hành vi không biệt định kết hợp với các rối loạn sinh lý và các nhân tố cơ thể.

* F60-69: Các rối loạn nhân cách và hành vi ở người thành niên

Phần này gồm các loại trạng thái và mô hình hành vi có ý nghĩa lâm sàng với khuynh hướng dai dẳng và biểu hiện những đặc trưng lối sống cá nhân và phương thức quan hệ với bản thân và những người khác. Một số trạng thái và mô hình hành vi này xuất hiện sớm trong quá trình phát triển cá nhân như là hậu quả của nhân tố thể chất và kinh nghiệm xã hội trong khi những cái khác được tập nhiễm về sau trong cuộc sống.

Các phần của chương này bao gồm:

+ Các rối loạn nhân cách đặc hiệu;

+ Các rối loạn nhân cách hỗn hợp và các rối loạn nhân cách khác;

+ Các biến đổi nhân cách lâu dài không thể gán cho một tổn thương não hoặc một bệnh não: thảm họa, bệnh tâm thần, bệnh mạn tính…;

+ Các rối loạn thói quen và xung động;

+ Các rối loạn về phân định/ưa chuộng giới tính;

+ Các rối loạn hành vi và tâm lý kết hợp với sự phát triển và định hướng giới tính;

+ Các rối loạn khác về HV và nhân cách ở người thành niên;

+ Rối loạn không biệt định về hành vi và nhân cách ở người thành niên.

>Bí ẩn thế giới tâm thần (1): Khi tất cả không muốn thừa nhận

*  F70-79: Chậm phát triển tâm thần

Chậm phát triển tâm thần là một trạng thái phát triển bị ngừng trệ hay không đầy đủ của trí tuệ, được đặc trưng chủ yếu bằng tật chứng về kỹ năng thể hiện trong thời kỳ phát triển, tham gia vào mức độ thông minh chung, nghĩa là các khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và các năng lực xã hội.

Chậm phát triển tâm thần có thể kèm theo hay không kèm theo một rối loạn cơ thể hoặc tâm thần khác. Tuy nhiên, những bệnh nhân chậm phát triển tâm thần có thể bị tất cả rối loạn tâm thần, và tỷ lệ bị các rối loạn tâm thần khác nhau trong quần thể này ít nhất ba đến bốn lần lớn hơn trong quần thể dân số nói chung. Tác phong thích ứng thường bị suy giảm, nhưng trong các môi trường xã hội được bảo vệ, có nâng đỡ tốt thì tật chứng này có thể không luôn luôn tồn tại rõ rệt ở những đối tượng chậm phát triển tâm thần nhẹ.

Các phần của chương này bao gồm:

+ Chậm phát triển tâm thần nhẹ;

+ Chậm phát triển tâm thần vừa;

+ Chậm phát triển tâm thần nặng;

+ Chậm phát triển tâm thần trầm trọng;

+ Chậm phát triển tâm thần khác;

+ Chậm phát triển tâm thần không biệt định.

* F80-89: Các rối loạn về phát triển tâm lý

Các rối loạn ở mục F80-F89 có những đặc điểm chung sau đây: a) Bắt buộc phải bắt đầu ở lứa tuổi trẻ bé hay trẻ lớn; b) Suy giảm hay chậm trễ trong sự phát triển các chức năng có liên quan chặt chẽ đến sự chín muồi sinh học của hệ thần kinh trung ương; c) Một sự phát triển liên tục không có những thời kỳ thuyên giảm và tái phát là những nét đặc trưng cho nhiều loại rối loạn tâm thần.

Trong đa số các trường hợp, các chức năng bị tổn thương bao gồm ngôn ngữ, các kỹ năng thị giác không gian và hoặc sự phối hợp vận động. Một cách đặc trưng, các rối loạn này giảm xuống dần dần khi đứa trẻ lớn lên. Thông thường, bệnh sử cho thấy có một sự chậm trễ hay thiếu sót không bình thường có thể được phát hiện.

Các phần của chương này bao gồm:

+ Các rối loạn đặc hiệu về phát triển lời nói và ngôn ngữ: kết âm, thể hiện, tiếp nhận;

+ Các rối loạn đặc hiệu về phát triển các kỹ năng ở trường: đọc, chính tả, kĩ năng tính toán, kĩ năng ở nhà trường;

+ Các rối loạn đặc hiệu về phát triển chức năng vận động;

+ Các rối loạn hỗn hợp và đặc hiệu về phát triển;

+ Các rối loạn phát triển lan tỏa: tự kỷ, hội chứng Rrett, hội chứng Asperger;

+ Các rối loạn khác của phát triển tâm lý;

+ Các rối loạn không đặc hiệu của phát triển tâm lý.

* F90-98: Các rối loạn hành vi và cảm xúc thường khởi phát ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên

Các phần của chương này bao gồm:

+ Các rối loạn tăng động;

+ Các rối loạn hành vi: môi trường gia đình, người kém thích ứng xã hội, còn thích ứng xã hội, thách thức chống đối;

+ Các rối loạn hỗn hợp của hành vi và cảm xúc: hành vi trầm cảm;

+ Các rối loạn cảm xúc với sự khởi phát đặc biệt ở tuổi trẻ em: lo âu chia ly, ganh tỵ giữa anh/chị/em ruột;

+ Rối loạn hoạt động xã hội với sự khởi phát đặc biệt ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên;

+ Rối loạn tic;

+ Các rối loạn hành vi và cảm xúc thường khởi phát ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên: đái dầm, ỉa đùn, ăn bậy, nói lắp;

+ Rối loạn tâm thần, không biệt định cách khác.

(còn nữa)