Bệnh viện trao nhầm con là việc rất hy hữu, nhưng không phải không thể xảy ra

ANTD.VN - Theo các bác sĩ sản khoa, với quy trình chặt chẽ mà các bệnh viện sản khoa, khoa sản của các bệnh viện ngày nay áp dụng thì việc trao nhầm con cho sản phụ rất khó xảy ra. Tuy vậy, vẫn có thể có những trường hợp hy hữu đáng tiếc…

Sau 6 năm nuôi con, vợ chồng anh Sơn mới biết bị BVĐK Ba Vì trao nhầm con (Ảnh: Phạm Nhung)

Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây anh Phùng Giang Sơn (ở Ba Vì, Hà Nội) đã có đơn thư về việc vợ chồng anh bị Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Ba Vì trao nhầm con sau khi sinh cho một gia đình khác cách đây 6 năm. Hiện các bên liên quan cùng hai gia đình bị trao nhầm con vẫn đang tìm hướng giải quyết để 2 trẻ có thể đoàn tụ với bố mẹ đẻ của mình.

Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trao nhầm con xảy ra tại các bệnh viện và quy trình đảm bảo an toàn trẻ sơ sinh ở cơ sở y tế.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK huyện Ba Vì - nơi xảy ra vụ trao nhầm con kể trên – cho biết, trong một ca đẻ bình thường, một nữ hộ sinh sẽ chăm sóc mẹ, một người chăm sóc con. "Nhưng thời điểm đó có thể do cùng lúc 2-3 cháu chào đời, không cẩn thận nên dẫn đến sự nhầm lẫn đáng tiếc này" – ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, để đảm bảo không xảy ra sai sót khi thực hiện chuyên môn, Bệnh viện đã quán triệt các khoa phòng thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn; an toàn người bệnh.

Riêng với khoa sản, từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện thực hiện theo đúng quy trình. Sau sinh trẻ sẽ được đeo vòng đánh số, cùng số với số trên vòng tay của mẹ. Khi sản phụ sinh; bác sĩ thông báo với sản phụ là trẻ được đeo vòng tay số bao nhiêu, khi trao lại cho gia đình cũng sẽ thông báo lại con số này…

Khi trao con cho bà mẹ, nhân viên bệnh viện sẽ phải đối chiếu lại cặp số đánh dấu kỹ càng để tránh nhầm lẫn

Tại các bệnh viện sản khoa như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, quy trình đảm bảo an toàn trẻ sơ sinh được thực hiện rất chặt chẽ và cụ thể, đặc biệt là quy trình trao con cho gia đình để tránh xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, nguyên Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong một quy trình trao con ở các bệnh viện sản, trước đây, các em bé sinh ra sau khi được chăm sóc sức khỏe sẽ được đánh dấu định danh bằng mực khó xoá với cách ghi tên mẹ, tên con trên đùi.

Gần đây, các bệnh viện sử dụng vòng định danh của mẹ - bé và thực hiện đeo vòng trước mặt người mẹ đó. Ngay sau khi định danh, nếu đẻ thường, trẻ sẽ được nằm cạnh mẹ còn nếu bé đẻ mổ hoặc cần chăm sóc sẽ được chuyển đến nơi chăm nom và nhân viên y tế có trách nhiệm chăm sóc bé theo vòng định danh và hồ sơ của trẻ.

Còn khi nhân viên y tế nhận trẻ từ mẹ, cần phải thông báo cho sản phụ biết lý do đón trẻ tách mẹ như: cho đi tắm, tiêm hoặc điều trị bệnh lý. Đồng thời, đối chiếu hồ sơ bệnh án tên mẹ, tên con, mã số con và số mẹ đeo khớp với bệnh án sơ sinh…

Theo bác sĩ Hà, với quy trình rất chặt chẽ như vậy nên việc trao nhầm con rất khó xảy ra. Việc xảy ra nhầm lẫn, nếu có, thì thường nằm ở các trường hợp như: Sau khi sản phụ đẻ, người chăm sóc phải chăm sóc 2 bé sơ sinh cùng thời gian và sơ ý hoặc quên việc định danh nên gây ra nhầm lẫn; em bé phải nằm tách mẹ, người nhà chưa biết mặt trẻ mà nhân viên y tế đã phải đưa xuống nơi chăm sóc nhưng vì sơ suất nào đó mà có thể nhầm lẫn…

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ năm 2016 đã ban hành quy định an toàn trẻ sơ sinh tại bệnh viện rất chặt chẽ, bao gồm 12 điểm quy định chung và các quy định riêng, cụ thể ở từng khâu. Trong đó, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải thực hiện đúng quy trình giao nhận trẻ giữa bà mẹ và nhân viên y tế.

Theo đó, để tránh việc trao nhầm trẻ, các nhân viên y tế phải chuẩn bị đầy đủ các cặp số đánh dấu sơ sinh cho mẹ và con, các số đánh dấu phải giống nhau. Những số này phải được công khai và đeo theo từng cặp ngay tại bàn đẻ, bàn đón mổ. Người làm hồ sơ bệnh án có trách nhiệm nhìn, kiểm tra lại giới tính, số mẹ, số con trước khi ghi vào hồ sơ bệnh án.

Việc trao trẻ cho mẹ được trao tại giường bệnh, và chỉ bàn giao con cho bà mẹ, không giao cho bất kỳ ai, trước khi giao phải đối chiếu số mẹ, số con trùng khớp, kiểm tra thêm giới tính của trẻ. Các trường hợp đặc biệt khác phải do cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, khi sản phụ chưa đủ sức khỏe để nhận biết trẻ thì không được bàn giao con cho sản phụ... Nếu thực hiện đúng, nghiêm túc các quy định này thì việc trao nhầm con rất khó xảy ra.