Bệnh lý gây ra tình trạng nước tiểu đục

ANTD.VN - Hệ bài tiết nước tiểu đưa chất thải và chất độc mà cơ thể sinh ra trong quá trình trao đổi chất bài tiết ra ngoài, duy trì sự ổn định cho cơ thể. Chính vì thế, khi cơ thể khỏe mạnh, nước tiểu thường trong hoặc có màu hơi vàng nhạt. Vậy khi nước tiểu có màu đục là biểu hiện của bệnh gì? 

Theo dõi những bất thường của nước tiểu để kịp thời có hướng điều trị

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Vi khuẩn hoặc virus có thể xâm nhập và gây tổn thương, gây bệnh bên trong đường tiết niệu, làm cho nước tiểu chuyển sang màu đục. Ngoài ra, khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh cũng có thể kèm theo cảm giác đau, và nóng rát khi đi tiểu. Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng nhiễm khuẩn các phần của đường tiết niệu, đặc trưng bởi sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu hoặc các triệu chứng biểu hiện sự xâm nhập của vi khuẩn ở một hoặc nhiều phần của đường tiết niệu. Đây là bệnh lý rất thường gặp, đặc biệt là ở nữ. 

Viêm niệu đạo 

Niệu đạo là một bộ phận của đường tiểu, một ống dài nối từ bàng quang ra lỗ sáo (lỗ tiểu) đi ra ngoài. Ngoài chức năng dẫn nước tiểu ra ngoài, niệu đạo còn đóng vai trò dẫn tinh dịch từ túi tinh ra ngoài khi có hiện tượng xuất tinh. Khi niệu đạo viêm sẽ ảnh hưởng đến bài xuất nước tiểu, tinh dịch và có thể để lại những biến chứng bất lợi cho người bệnh. Một số trường hợp niệu đạo bị viêm do tác động của vi khuẩn, vi nấm, trong đó vi khuẩn chiếm tỉ lệ cao hơn cả. 

Tiểu phosphate

Đây là hiện tượng do có nhiều phosphate bài tiết trong nước tiểu. Người bệnh đi tiểu trong nhưng thỉnh thoảng đi tiểu thấy nước tiểu đục như nước vo gạo (thường gặp vào buổi sáng), để lắng lại thì thấy có cặn như cặn vôi. Hiện tượng tiểu phosphate không phải là bệnh lý. Nhưng nếu tình trạng kéo dài và người bệnh uống ít nước thì dễ bị sỏi thận do tinh thể phosphate lắng đọng.

Thuốc uống

Một số thuốc cũng có thể dẫn đến hiện tượng nước tiểu đục. Khi uống các loại thuốc như: Thuốc điều trị đái tháo đường; Vitamin B và vitamin C bởi hai loại vitamin này có chứa phốt pho.  

Thực phẩm

Một số loại thực phẩm có ảnh hưởng tới màu sắc và biểu hiện của nước tiểu. Ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ làm cho nước tiểu trong và không có mùi. Còn nếu ăn nhiều thịt, gia vị và thực phẩm có dầu sẽ làm cho nước tiểu đục và nặng mùi hơn. Ngoài ra, nước cam, sữa, củ cải đường và măng tây cũng có thể làm cho nước tiểu đục. Tương tự như vậy, rượu sẽ làm mất đi độ trong của nước tiểu. Nếu thay đổi khẩu phần dinh dưỡng ăn hàng ngày, nước tiểu sẽ trong và trở lại bình thường. Tuy nhiên, nước tiểu đục do các bệnh lý cần đến cơ sở y tế để khám và phát hiện bệnh nhằm điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng thận

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến thận sẽ bắt đầu như nhiễm trùng đường tiết niệu và có thể lan rộng và nặng lên nếu không được điều trị đúng cách. Nhiễm trùng thận có thể gây nước tiểu đục vì nhiễm trùng sinh ra mủ, hòa lẫn với nước tiểu. Tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng thận có thể gây sốt, ớn lạnh, chuột rút, mệt mỏi, buồn nôn và nôn, đau lưng và nước tiểu sẫm màu, có máu hoặc có mùi hôi. Nhiễm trùng thận cũng có thể là do sỏi thận.

Uống không đủ nước

Một nguyên nhân khác khiến nước tiểu bị đục đó là do chúng ta không uống đủ nước hàng ngày. Lượng nước không đủ nên không thể lọc hết được những gì bên trong đường tiết niệu. Cách khắc phục đơn giản là uống đủ nước mỗi ngày (đảm bảo mỗi ngày uống đủ 1-2 lít), nước tiểu sẽ trở lại bình thường.

Bệnh tiểu đường

Trong một số trường hợp, nước tiểu đục có thể bắt nguồn từ bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận tiểu đường. Nguyên nhân là do cơ thể đang cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa thông qua nước tiểu.