Bệnh đái tháo đường: Những biến chứng gây tử vong không được chủ quan

ANTD.VN - Theo Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày. Với mức độ nguy hiểm như vậy, những người mắc bệnh đái tháo đường cần nắm được những biến chứng có thể xảy ra để chẩn đoán, điều trị kịp thời, giảm tối đa nguy cơ tử vong.

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hoá do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hoá carbonhydrate (chất đường), lipide (chất béo), proteine (chất đạm) do thiếu insuline có kèm hoặc không kèm kháng insuline với các mức độ khác nhau.

Những tổn thương do bệnh đái tháo đường vẫn tiếp diễn ở cơ thể bệnh nhân cho dù người bệnh cảm thấy khỏe, đến khi có triệu chứng rõ ràng thì điều trị thường là muộn. Sau đây là những biến chứng nguy hiểm mà người bệnh đái tháo đường hay gặp phải:

Bệnh tim mạch

Theo thống kê của Chương trình phòng ngừa bệnh đái tháo đường Quốc gia, trên 65% số ca tử vong ở người bệnh đái tháo đường là do bệnh tim mạch và đột quỵ. Lượng đường trong máu cao làm tăng sự lắng đọng mỡ ở thành mạch và chậm dòng chảy của máu. Tình trạng này khiến các mạch máu bị hẹp không thể bơm đủ máu đến tim, gây ra các bệnh như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não dẫn đến di chứng liệt, đột quỵ và dễ tử vong.

Bệnh đái tháo đường khiến các mạch máu bị hẹp không thể bơm đủ máu đến tim

Suy thận

Người bị bệnh đái tháo đường thường có lượng đường trong máu cao - nguyên nhân gây tổn thương các tế bào vi mạch thận, làm rối loạn chức năng lọc của thận và bài tiết nước tiểu, dẫn đến các vấn đề về thận. Nếu để lâu không chữa trị kịp thời, bệnh nặng dần sẽ dẫn đến suy thận và hủy hoại chức năng thận.

Lượng đường trong máu cao của người bị bệnh đái tháo đường làm rối loạn chức năng thận

Bệnh về mắt

Người bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh võng mạc mắt cao hơn. Nguyên nhân là do lượng đường huyết trong máu cao làm cho các mạch máu bị nhỏ lại, võng mạc bị tắc nghẽn, có thể bị vỡ gây tấy đỏ và sưng ứ gây ra tổn thương mắt. Ngoài ra, bệnh cũng làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và thậm chí dẫn đến mù lòa.

Bệnh nhân đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh võng mạc mắt cao hơn

Bệnh thần kinh

Tổn thương thần kinh ngoại vi là biến chứng thường thấy nhất ở bệnh nhân đái tháo đường, trong đó biểu hiện ở chân là nghiêm trọng hơn cả: khô da, nứt nẻ, chai chân, lở loét, sưng phù và điều trị không khỏi… Lượng đường trong máu quá cao sẽ dẫn đến tổn thương những mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Vì vậy, các dây thần kinh không nhận được đủ chất dinh dưỡng và oxy. Từ đó dẫn đến yếu cơ, thay đổi cảm giác, tê bì hoặc kim châm chủ yếu ở các ngón tay.

Clip: Các biến chứng về bàn chân của bệnh đái tháo đường. Nguồn: VTC1

Chậm lành vết thương

Lượng đường cao trong máu làm cho các mạch máu hẹp và cản trở lưu thông máu, dẫn đến các vết thương khó lành hơn. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường có thể là làm cho dây thần kinh bị tê liệt, dẫn đến vết thương bị bị lở loét và nhiễm trùng nặng hơn. Bệnh nhân đái tháo đường có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ bộ phận nào điển hình như: răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiểu bàng quang, thận… Và một hậu quả nghiêm trọng phổ biến ở các bệnh nhân đái tháo đường là phải tháo khớp chi (còn gọi là hiện tượng đoản chi).

Nếu nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng như: sốt; dịch âm đạo có mùi khó chịu; đau khi đi tiểu, nước tiểu đục, có máu hay mùi hôi hoặc khi có các vết thương hay xây xước nhỏ lâu lành... Người bệnh cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

Bệnh đái tháo đường khiến vết thương của người bệnh dễ bị lở loét và nhiễm trùng hơn

Răng lợi

Người bị bệnh đái tháo đường lâu năm thường mắc phải các biến chứng về răng lợi do lượng đường trong máu cao dễ gây sâu răng, hôi miệng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Chính vì những biến chứng nguy hiểm nêu trên mà bệnh đái tháo đường được coi là căn bệnh “gặm mòn” sức khỏe của con người thầm lặng. Nếu người bệnh không có ý thức tránh xa rượu, bia, thuốc lá thì rủi ro mắc các biến chứng càng cao.

Để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, cần chú ý kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp ở giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cần sắp xếp hợp lý, giảm đạm (0,8 gam/kg cân nặng/ngày), hạn chế đồ ngọt, không hút thuốc lá và các chất kích thích. Bạn cũng cần tăng cường tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng tiềm ẩn.