Bất ngờ xin nghỉ việc, chàng trai đạp xe xuyên Việt lần hai vào thăm mộ cha

ANTD.VN - Năm 2014, sau khi đỗ đại học, Đỗ Trường Hùng quyết định vượt hơn 1.000 km bằng xe đạp vào báo cáo thành tích với người bố đã mất. Tốt nghiệp đại học, được nhận công tác tại một cơ quan báo chí lớn nhưng Hùng bất ngờ nộp đơn xin nghỉ việc để thực hiện hành trình xuyên Việt lần thứ hai của mình.

Chuyến đi mạo hiểm của cậu sinh viên 20 tuổi

5 năm trước, nhận được tin đỗ đại học, Đỗ Trường Hùng (SN 1994, quê quán Hưng Hà, Thái Bình) đã quyết định đạp xe hơn 1.000 km từ Hà Nội vào Đắk Lắk thăm mộ cha. Câu chuyện xúc động này được nhiều người biết đến.

Hùng sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê thuộc tỉnh Thái Bình. Bố anh đi làm ăn xa và mất ở Đắk Lắk khi Hùng còn quá nhỏ. Kỉ niệm ít ỏi mà Trường Hùng nhớ nhất về bố là hình ảnh bố chở hai anh em Hùng đi chơi, đi học, đi xin cơm… trên chiếc xe đạp “cà tàng” của gia đình.

Hình ảnh ấy đối với anh luôn mang một ý nghĩa rất lớn. Đó cũng chính là lí do khiến Hùng không ngần ngại chọn xe đạp là “người bạn” đồng hành cho chuyến đi của mình. Trường Hùng chia sẻ, tuy đỗ đại học chỉ là một thành tích bé nhỏ nhưng nó lại là động lực, hành trang quan trọng nhất khiến anh không do dự mà quyết định đạp xe xuyên Việt báo tin vui này cho bố.

Quyết định táo bạo này của Trường Hùng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình anh. Lo sợ con trai gặp nguy hiểm, tai nạn trên đường đi, mẹ anh đã nhiều lần can ngăn nhưng không thành. Hùng tâm sự, mẹ anh thậm chí còn đưa anh lên chùa nhờ thầy sư thuyết phục. Thế nhưng, sau khi nghe Hùng trải lòng, thầy không những không phản đối mà còn ủng hộ và cầu cho chuyến đi của anh được bình an. Nhận được sự ủng hộ ấy, Trường Hùng đã quyết tâm chuẩn bị tư trang lên đường vào “thăm” bố để kịp trở về Hà Nội trước ngày nhập học.

Đỗ Trường Hùng cùng chiếc xe đạp theo anh suốt hành trình xuyên Việt

18 ngày chinh phục chiều dài đất nước với nhiều khó khăn, thử thách nhưng đã đem lại cho Trường Hùng những kỉ niệm khó quên. Qua cuộc nói chuyện với chúng tôi, Hùng có dịp nhớ lại những trải nghiệm đáng nhớ mà anh có được trên đường đi.

Hùng xuất phát từ Hà Nội và đặt chân đến vườn hoa Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa vào chiều tối. Mảnh đất này cho anh cái duyên được gặp gỡ một người đàn ông tốt bụng ngỏ ý mời Hùng về nhà chơi, ăn cơm cùng gia đình anh và nghỉ lại.

Trên đường đi, Trường Hùng may mắn gặp được nhiều người tốt giúp đỡ, có khi là một bữa cơm, một giấc ngủ, có khi chỉ đơn giản là những lời động viên, khích lệ. Những cuộc gặp gỡ tình cờ như thế khiến anh cảm động, vơi bớt mệt nhọc, có niềm tin vào lòng tốt của con người và hiểu được vẻ đẹp của cuộc sống.

Đường dài lại di chuyển bằng xe đạp cũng khiến chàng trai tuổi 20 gặp không ít thử thách. Đó là những đoạn đường khó đi, là thời tiết khắc nghiệt, thay đổi liên tục, không có chỗ ngủ, xe đạp hỏng hóc, có những đêm anh phải vá săm đến 4-5 lần…

Một mình đối diện với khó khăn và nỗi cô đơn nhiều khi khiến Hùng thấy kiệt sức. Từng có suy nghĩ muốn từ bỏ nhưng nhìn xuống thấy bánh xe vẫn lăn, anh lại tự động viên mình cố gắng tới đích, tới thăm bố. Trên đường từ Quảng Trị đến Huế, thời tiết khắc nghiệt, đường dài khiến anh thấm mệt thì tình cờ Hùng gặp được một người nông dân vừa đi làm về, quần áo vẫn lấm lem bùn đất.

Biết được câu chuyện của cậu thanh niên, cô gạt nước mắt và tặng Hùng 20.000 đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng tấm lòng của cô là động lực tiếp sức cho anh đạp đến Huế cũng như trong suốt cả hành trình.

Hoàn thành lời hứa với bố

Vừa tốt nghiệp đại học và có một công việc tốt, Trường Hùng lại quyết định đạp xe vào Đắk Lắk báo cáo thành tích với bố. Hùng cho biết: Chuyến đi này anh đã lên kế hoạch từ năm 2015, khi em trai vào đại học. Tuy nhiên, vì chưa thể sắp xếp được việc học ở trường và làm thêm nên đầu năm 2019, anh mới thực hiện được hành trình thứ hai này.

Hùng khởi hành từ sáng ngày 10-1-2019 và anh dự định sẽ đón Tết dọc đường. Để có thời gian cho chuyến đi, Đỗ Trường Hùng đã mạnh dạn viết đơn xin nghỉ việc để vào thăm bố.

Hùng vẫn chọn xe đạp là phương tiện di chuyển bởi nó có ý nghĩa đặc biệt với bố con anh. Đạp xe cũng là một cơ hội để bản thân Hùng cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp đất nước, con người, giúp anh có thời gian suy nghĩ về bản thân để tiến lên phía trước. Chi phí cho hành trình không có nhiều, ngoài viết báo, chàng trai quê lúa còn làm thêm nghề xe ôm, bán những cuốn sách mà anh giữ gìn bấy lâu… để có kinh phí phục vụ chuyến đi dài ngày.

 

Trường Hùng chuẩn bị tư trang cho chuyến đi

Trước ngày lên đường, quần áo, tư trang, thuốc, đồ ăn… được anh sắp xếp gọn gàng trong hai chiếc balo. Nhưng hành trang quan trọng nhất mà anh đem tới gặp bố là tấm bằng đại học mà Hùng đã có được sau những nỗ lực không biết mệt mỏi suốt 5 năm.

May mắn được trò chuyện với Trường Hùng, chúng tôi đã ghi lại được những chia sẻ của anh trước ngày lên đường thực hiện hành trình xuyên Việt lần thứ hai này:

“Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ lại, chỉ cần chiếc xe nhích lên một chút, nhích lên một chút là mình sẽ tới đích”, Trường Hùng chia sẻ.

Khó khăn vẫn chưa dừng lại nhưng đó là động lực giúp Đỗ Trường Hùng tiến lên phía trước một cách vững vàng. Sau hành trình này, Hùng dự định sẽ tập trung cho công việc, lo cho mẹ và em trai có cuộc sống tốt hơn.