Ám ảnh kinh hoàng mang tên... chó thả rông

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, cháu N.V.T, 12 tuổi, ở xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã bị chó cắn lóc gần hết da đầu, mất hai tai và có nhiều vết thương trên cơ thể. Đáng buồn, đây không phải là sự việc hi hữu…

Những vụ tai nạn thương tâm

Trước đó, vào 3-4 một vụ tai nạn tương tự cũng đã xảy ra tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Bé trai N.V.T - 7 tuổi đã tử vong do bị 6 con chó của chủ nhà trọ cắn xé. 

Sau những vụ việc đau lòng trên, dư luận đã bày tỏ sự bức xúc đối với tình trạng nuôi, thả rông chó đang diễn ra tại nhiều địa phương hiện nay, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn  những vụ việc đau lòng có thể xảy ra tiếp theo. Tuy vậy, hiện tượng chó thả rông, không rọ mõm vẫn xuất hiện tràn lan trong các ngõ ngách, trên các tuyến đường hay tại những nơi công cộng khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng, bất an.

Bà Nguyễn Thu Hằng – người dân sống tại ngõ 189 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, buổi chiều khi đi tập thể dục, bà gặp khá nhiều người đưa chó ra dải phân cách giữa đường hoặc khu vực thảm cỏ ở vườn hoa cho chúng đi vệ sinh. Những con chó này có kích cỡ khá lớn, không đeo rọ mõm, thậm chí không có dây xích, chạy tự do theo chủ không chỉ gây nguy hiểm cho những người xung quanh mà còn làm mất vệ sinh công cộng. Điều đáng nói là khi những người khác góp ý, chủ chó thường phớt lờ hoặc chỉ trả lời cho qua chuyện “chó nhà nuôi rất hiền, không cắn ai bao giờ nên không phải sợ” ?!

Tình trạng chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến

Do vậy, từ khi biết Hà Nội đã thành lập Đội chuyên trách bắt chó thả rông, bà Hằng rất mừng và cho rằng điều này hoàn toàn cần thiết, cần tiến hành lâu dài với quy mô rộng khắp toàn thành phố. Tuy nhiên, quá trình triển khai phải có kế hoạch, tuyên truyền rõ ràng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Về các quy định liên quan đến việc nuôi và quản lý vật nuôi, Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT nêu rõ, chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi cho chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ và có người dắt…

Còn theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác bị phạt từ 100.000 - 1.000.000 đồng. Trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khoẻ, tài sản cho người khác thì tùy theo mức đột hiệt hại, chủ chó phải bồi thường, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.

Thành lập 6 đội chuyên trách bắt chó thả rông

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, toàn thành phố hiện nay có khoảng 490 nghìn con chó. Trước tình trạng chó thả rông, không có rọ mõm ra đường còn phổ biến tại các địa bàn, cùng với việc nâng cao biện pháp tuyên truyền, thành phố tiếp tục nghiên cứu mô hình bắt chó thả rông ở Thanh Xuân để triển khai, nhân rộng, đồng thời xem xét các cơ chế phù hợp với đặc thù của mô hình này.

Còn theo bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm thú y quận Thanh Xuân, phường Khương Đình là đơn vị đầu tiên ở Hà Nội thành lập tổ, đội bắt chó thả rông trên địa bàn từ tháng 8-2018. Trước khi triển khai, Trạm Thú y đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền phường sở tại tuyên truyền rộng rãi đến các hộ dân nuôi chó, gửi thông báo tới từng hộ gia đình.

Về quy trình xử lý, với chó lang thang, thả rông, không rọ mõm ở những nơi công cộng sẽ bị bắt và mang về  phường. Sau 48 giờ, nếu không có chủ đến nhận và nộp phạt, phường sẽ gửi vật nuôi về Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ động vật nuôi. Đến nay, Đội chuyên trách phường Khương Đình đã bắt được 13 con chó thả rông, xử phạt 10 trường hợp.

Đội chuyên trách bắt cho thả rông đã được thành lập tại nhiều phường ở Hà Nội

Với nỗ lực trên, đến nay, về cơ bản tình trạng chó thả rông trên địa bàn phường Khương Đình đã giảm tới 70 – 80%, ý thức người dân nuôi chó đã có sự thay đổi rõ rệt. Do đó, mô hình này sẽ được triển khai mở rộng sang 5 phường nữa gồm Nhân Chính, Hạ Đình, Khương Trung, Kim Giang, Thượng Đình.

Cũng theo bà Mai Thị Lan Hương, sở dĩ mô hình trên triển khai nhanh chóng, có hiệu quả, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng là do lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, từ việc đầu tư trang thiết bị cho các Đội chuyên trách bắt chó được đến công tác tập huấn, hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho những cá nhân tham gia.

“Tuy vậy, khó khăn lớn nhất trong công tác bắt chó thả rông hiện nay là có những con chó nhập ngoại có khối lượng lớn, rất hung dữ nên nếu chỉ có chủ dắt mà không rọ mõm chúng vẫn có thể dứt đứt xích, gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Bên cạnh đó, việc vây bắt bằng phương pháp thông thường đối với những con vật này cũng khá khó khăn. Do đó, chúng tôi để xuất cơ quan chức năng có sự điều chỉnh quy định đối với vật nuôi này đồng thời hỗ trợ thêm dụng cụ xử lý khi bắt giữ chúng nhằm đảm bảo an toàn cho những thành viên trong tổ chuyên trách” – bà Lan Hương cho biết.