"Đội quân tị nạn" và khát vọng hòa bình ở Rio 2016

ANTĐ - Họ là những người chiến thắng! Dư luận và giới truyền thông đã mô tả như vậy về Refugee team - Đoàn thể thao của những người tị nạn tại Rio 2016, ngay khi Thế vận hội mùa hè vẫn còn chưa bắt đầu.

Khát vọng lớn nhất của Refugee team là một thế giới hòa bình

Vượt qua những giới hạn về địa lý, không gian, thời gian, cũng như truyền thống của Olympic, lần đầu tiên trong lịch sử có một đoàn thể thao đặc biệt tham dự Đại hội thể thao lớn nhất thế giới. Không đến từ vùng lãnh thổ hay quốc gia nào, không chơi vì màu cờ sắc áo của bất cứ địa giới hành chính nào, “Refugee team” là đoàn thể thao của những người tị nạn. Điểm đáng lưu ý nhất, họ đều là nạn nhân của những cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc và buộc phải rời bỏ quê hương.

Thay cho những lễ nghi, những lời chúc tụng từ các quan chức, lãnh đạo thể thao quốc gia, thiếu thốn kinh phí và sự hỗ trợ, “Refugee team” chủ yếu phải tự lực cánh sinh để nuôi dưỡng đam mê thể thao. Có chăng, họ chỉ nhận được nguồn tài chính ít ỏi từ những tổ chức phi chính phủ, hay những nhà hoạt động xã hội để tới cạnh tranh tại Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh trên đất Brazil, sự kiện sẽ khởi tranh vào ngày 5-8 tới và bế mạc vào  21-8.

Khác với những đoàn thể thao hùng mạnh, những quyền lực của Olympic, “Refugee team” chỉ có vỏn vẹn 10 thành viên, trong đó 2 VĐV đại diện cho Syria vẫn đang tràn ngập khói lửa, 2 từ CHDCND Congo, 5 từ quốc gia non trẻ Nam Sudan và 1 đến từ Ethiopia. Cũng tham gia lễ diễu hành giống như 206 đoàn thể thao khác, song “Refugee team” không có lá cờ riêng. Phía trước họ là lá cờ Olympic, biểu tượng của tinh thần thể thao và sự đoàn kết.

Dù không phải là ứng viên sáng giá cho những tấm huy chương ở Rio 2016, “Đội quân tị nạn” vẫn tràn đầy lạc quan tại kỳ Olympic lần đầu tiên tổ chức trên đất Nam Mỹ. Thay cho mục tiêu giành chiến thắng tại một nội dung hoặc môn thể thao nào đó, “Refugee team” muốn gửi đi thông điệp lớn nhất đại diện cho tất cả những người tị nạn trên khắp thế giới: khát vọng cháy bỏng về nền hòa bình.

Nếu “dũng cảm” là một môn thể thao trong số các nội dung đua tranh tại Rio 2016, “Refugee team” sẽ giành trọn toàn bộ các tấm huy chương. Không ai trong số các VĐV tham gia đua tranh tại Thế vận hội mùa hè năm nay phải trải qua những nỗi đau, những cơn ác mộng giống như họ, với những thách thức đe dọa tới chính mạng sống.

Từ Yusra Mardini, tài năng trẻ trên đường đua xanh đến từ Syria - người phải bơi qua Địa Trung Hải bằng một chiếc xuồng ba lá cũ nát, tới Popole Misenga, VĐV từng trải qua 8 ngày chạy trốn trong rừng vì cuộc chiến đẫm máu, tất cả trong số họ đều là những người hùng tại Olympic. Theo bộc bạch của Mardini, sứ mệnh của “Refugee team” là đứng dưới lá cờ lớn nhất, lá cờ của người tị nạn với hy vọng đem thể thao đến hàn gắn mọi nỗi đau trên thế giới này.