Đổi mới từ những điều trông thấy

ANTD.VN - Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã đi vào thực hiện được gần 3 năm. Tuy nhiên, đối với hàng chục triệu phụ huynh, học sinh, cụm từ “đổi mới căn bản, toàn diện” thật khó hình dung nếu như không phải là  “người thật, việc thật”, là những điều “tai nghe mắt thấy”.

Một trong những điểm nhấn về đổi mới của ngành giáo dục năm nay là việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia giảm tốn kém, tránh phiền hà cho người dân. Gần 900.000 thí sinh không còn phải “khăn gói quả mướp” đổ về các thành phố lớn để dự thi như các năm trước. Chi phí của người dân vì thế cũng giảm mạnh vì không còn mất tiền tàu xe, ở trọ, ăn uống trong mấy ngày dự thi vốn đã quá căng thẳng.

Chưa kể đến ngày nộp hồ sơ, hàng vạn thí sinh đổ về các trường đại học để nộp vào, rút ra hồ sơ đăng ký với tâm lý hốt hoảng vì sợ trượt oan ở khâu nộp hồ sơ. Điều này có được là nhờ sự lắng nghe, điều chỉnh nghiêm túc từ Bộ GD-ĐT và sự phối hợp hiệu quả của các cấp chính quyền.

Thế nhưng đổi mới phương pháp giáo dục có hay đến đâu, thi cử có giảm tải thế nào thì cũng là câu chuyện còn xa với những học sinh tiểu học hay phổ thông trong khi chuyện các em phải đối mặt hàng ngày là “nhu cầu cá nhân” không được giải quyết. Khu vệ sinh trong trường học luôn được coi là “nỗi kinh hoàng” của rất nhiều học sinh. Đấy là chưa kể có trường còn chẳng có khu vệ sinh, hay có rồi nhưng lại không có nước mà sử dụng.

Rà soát mới đây của Hà Nội cho thấy, vấn đề còn tồn tại ở nhiều trường học nhất trong tổng số 2.622 trường học trên toàn thành phố là thiếu nước, thiếu công trình phụ. Cho rằng đây là vấn đề cấp thiết, phải giải quyết triệt để, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã công bố thành phố đã huy động khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với ngân sách để cải tạo, hoàn thiện khu công trình phụ tất cả các trường học ngay trong năm học này. Thí điểm này của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra như một ví dụ về những việc cần làm ngay, làm hiệu quả để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục với một nguyên tắc cơ bản là lấy học sinh làm trung tâm.

Bước vào năm học mới, điều mà nhiều phụ huynh, học sinh còn nhớ là buổi lễ khai giảng từ năm 2015 đã được yêu cầu phải thực hiện gọn nhẹ, phù hợp với tâm lý, không để xảy ra tình trạng tập dượt, xếp hàng, chờ đợi để đón đại biểu. Và năm nay, ngay từ những ngày đầu tựu trường, dấu hiệu tích cực về đổi mới, lấy học sinh làm trung tâm đã khiến người dân phần nào “thấm” được cái gì là đổi mới.

Những tuyên bố không dạy thêm học thêm tràn lan, không dạy thêm học thêm trong dịp hè đã được ngành giáo dục cả nước thực hiện nghiêm túc. Trước ngày tựu trường, các trường chỉ mở cửa để học sinh đến vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao… Nhiều trường, học sinh phấn khởi với những hoạt động sôi nổi, vui tươi ngay từ đầu năm học khi được làm quen với môi trường học tập, được trải nghiệm, được hỗ trợ từ các anh chị khóa trên, được định hướng học tập, nghề nghiệp. 

Có thể nói, những điều nhìn thấy được này đang củng cố niềm tin vào tiến trình đổi mới giáo dục, dù đó là con đường còn nhiều khó khăn.                                     

Tin cùng chuyên mục