Đổi mới giáo dục như vừa sửa nhà, vừa chữa móng

ANTD.VN - Trước việc hàng loạt những đổi mới của Bộ GD-ĐT chưa hoàn toàn chiếm được niềm tin của xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, đổi mới giáo dục cũng như vừa phải sửa nhà, vừa chữa móng, vô cùng khó khăn và việc có va chạm, trái chiều là không thể tránh khỏi. 

- PV: Thông tư 30 đang được sửa đổi nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là “bình mới rượu cũ”. Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đối với Thông tư 30, Bộ đã rút kinh nghiệm và tính toán làm sao cho phù hợp lộ trình. Theo Thông tư 30 hiện hành, các thầy cô phải ghi chép nhiều, Bộ sẽ điều chỉnh, có thể sử dụng công nghệ thông tin và không bắt buộc phải đánh giá hàng ngày, toàn bộ học sinh. Với đánh giá học sinh, mặc dù cũng có hạn chế về khách quan, chủ quan, thầy cô, phụ huynh cũng chưa biết đánh giá như thế nào để học sinh tiến bộ, nay thông tư sửa đổi sang thang A, B, C là mức lượng hóa.

- Với việc nhiều địa phương vấp phải phản đối về mô hình VNEN, Bộ có định hướng tiếp tục triển khai hay tạm dừng?

- Mô hình trường học mới VNEN là một mô hình mới cần có sự thay đổi cho phù hợp thực tiễn. Bộ đã rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn và tổ chức triển khai trong thực tế. Theo đó, mức độ nhân rộng ít đi, phổ biến dần dần, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo. Vấn đề là nhiều nơi áp dụng máy móc nên có sự hiểu nhầm trong thời gian qua. Trong giáo dục, tất cả mọi thứ phải thận trọng. Những cụm từ như “nhồi nhét”, “chuột bạch”, “thí nghiệm”... rất xa rời giáo dục; khi sử dụng trong giáo dục phải hết sức thận trọng, chúng ta có thể sử dụng những từ khác phù hợp hơn. Những phản ánh ấy không đúng tinh thần của đổi mới, gây cú sốc cho những người làm đổi mới.

- Xin Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông mới có đúng tiến độ đặt ra là sẽ triển khai vào năm 2018 hay không?

- Có thể nói, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa là muộn, nhưng muộn mà chắc, vì để đổi mới sách giáo khoa cần có chương trình tổng thể. Đổi mới sách giáo khoa chúng tôi xác định là chậm nhưng có lí do và chậm để bền vững. Chúng tôi cũng có sự chuẩn bị, vì việc làm sách giáo khoa phải kết hợp được đổi mới nâng cao chất lượng giáo viên chứ không chỉ dựa vào một nhóm chuyên gia. Làm sách giáo khoa phải công khai, minh bạch, đúng thiết kế để tránh độ trễ. Với trên dưới 1 triệu giáo viên, tại sao chúng ta không chọn được người giỏi? Chúng tôi cần có sự tham gia sâu và trực tiếp giữa người triển khai chương trình dạy với làm sách giáo khoa. Tại thời điểm này, cần triển khai một cách chắc chắn theo hướng tiếp cận mới. Tôi tin khi có chương trình tổng thể môn học rồi thì việc làm sách giáo khoa sẽ rất nhanh.

- Vậy Bộ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của công tác đổi mới giáo dục trong thời gian vừa qua?

- Phải nhìn nhận thẳng thắn, chất lượng giáo dục có đi lên, nhưng so với yêu cầu thì chưa đạt. Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi xin chỉ nói về nguyên nhân chủ quan của ngành giáo dục. Để đổi mới căn bản, toàn diện 

GD-ĐT, nói một cách cho dễ hiểu, như vừa phải sửa nhà, vừa chữa móng, vô cùng khó khăn và việc có va chạm là không thể tránh khỏi. Ngành giáo dục rất nghiêm túc lắng nghe ý kiến góp ý, tích cực nghiên cứu, tìm tòi…