Năm học mới 2013-2014:

Đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh

ANTĐ - Chiều 28-8, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trao đổi với báo chí về tình hình chuẩn bị năm học mới trên cả nước, trong đó khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường kiểm tra, giám sát việc học trước chương trình lớp 1, thực hiện các giải pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học đồng thời tổ chức nhiều đoàn thanh tra việc triển khai công tác này tại các địa phương ngay trong những tuần đầu năm học.

Cả nước tăng hơn 100.000 học sinh lớp 1 trong năm học mới

Lo đủ chỗ cho trẻ vào lớp 1

Một trong những điểm đáng quan tâm nhất của năm học này là nguy cơ thiếu chỗ học khi trẻ vào lớp 1 tăng vọt. Về vấn đề này, bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, theo kế hoạch của địa phương cũng như điều tra độ tuổi trẻ đi học của ngành giáo dục thì do đã nắm được tình trạng số trẻ học lớp 1 tăng trong năm 2013 nên đã có sự chuẩn bị từ vài năm trước. Theo đó, vấn đề về cơ sở vật chất, giáo viên... đều đã phải chuẩn bị để trẻ đủ chỗ học. “Theo nắm bắt của Bộ GD-ĐT, mặc dù số lượng học sinh vào lớp 1 năm nay tăng mạnh (hơn 100.000 học sinh trên cả nước) nhưng tại các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn thì không có trẻ sinh năm 2007 nào lại không có chỗ học“ - bà Trần Thị Thắm cho biết. Tuy nhiên, bà Thắm cũng thừa nhận, thực tế sĩ số học sinh trong mỗi lớp học có tăng hơn năm trước. 

Về tình trạng phụ huynh học sinh đua nhau cho con học trước chương trình lớp 1 vì lo ngại ảnh hưởng tâm lý trẻ vì thua kém bạn bè và cô giáo chê trách, bà Thắm cho biết, tất cả các trường mầm non và tiểu học đều thực hiện quy định không dạy trước chương trình lớp 1 nên tất cả trẻ mầm non vào lớp 1 là như nhau, không có chuyện vào lớp 1 mà không học trước thì sẽ kém hơn. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích học sinh. “Chúng ta lâu nay đã quá quen với việc chấm điểm học sinh, nhưng năm nay Bộ đã nói rõ về việc khuyến khích giáo viên đánh giá bằng nhận xét để tránh áp lực không tốt về điểm số” - bà Thắm cho biết. 

Chỉ có 17 tỉnh chi đủ cho giáo dục 

Về vấn đề chống lạm thu trong năm học mới, ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GD-ĐT chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục trong vấn đề tài chính của nhiều trường học khi vẫn phải thu các khoản ngoài học phí. Theo ông Tuấn, một trong những lý do dẫn đến lạm thu trong nhà trường chính là ngân sách cho các trường còn hạn chế.  “Theo quy định của Chính phủ, ngân sách cấp cho các trường phải đảm bảo chi theo tỷ lệ 80% cho con người, 20% cho hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, do các yếu tố khách quan, nhiều địa phương không thể thực hiện đúng tỷ lệ này. Có những nơi 95% ngân sách để chi cho con người, 5% còn lại không thể đủ chi cho hoạt động khác. Hiện cả nước mới chỉ có 17 tỉnh thành đảm bảo được mức chi theo tỷ lệ quy định“- ông Tuấn nhận xét.

 Mặc dù vậy, việc chống lạm thu là điều mà Bộ GD-ĐT khẳng định là một trong những nhiệm vụ được tập trung thực hiện trong năm học này. Ông Lê Khánh Tuấn cho biết, ngay sau ngày khai giảng, Bộ sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại địa phương, nếu phát hiện lạm thu sẽ xử lý nghiêm. Bộ GD-ĐT cũng đã hoàn thiện các văn bản pháp lý cho việc quản lý thu chi trong trường học bao gồm thu học phí, miễn giảm học phí, các khoản thu tự nguyện... Đây là quy định khung để các địa phương xây dựng hướng dẫn cho các cơ sở GD-ĐT, từ đó có cơ chế giám sát, kiểm tra.