Đối mặt thách thức

ANTĐ - Mô hình phát triển tập trung vào tăng trưởng kinh tế trong khi xem nhẹ các vấn đề xã hội cũng như môi trường hiện nay cần thay đổi nếu không thế giới sẽ phải đối mặt với những thách thức có thể dẫn tới sự bùng nổ trong xã hội.

Người thất nghiệp ở Anh biểu tình đòi việc làm và công bằng xã hội

Lên tiếng tại Hội nghị Lao động quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ), Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, nhấn mạnh, thế giới cần thay đổi mô hình tiếp cận các thách thức phát triển và xã hội để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Đây được coi là sự thay đổi cách tiếp cận đáng chú ý bởi WEF xưa nay thường tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là chính chứ không phải các vấn đề xã hội.

Ông Klaus Schwab cho biết, thay đổi mô hình phát triển đồng nghĩa với tìm các giải pháp đổi mới để đảm bảo phát triển bền vững về xã hội, đổi mới và xây dựng các mô hình phát triển vượt quá tài trợ công để các mô hình này có tác động và quy mô rộng hơn thông qua đối tác công-tư nhân hoặc xã hội kinh doanh. Chủ tịch WEF tin rằng, sự thay đổi này sẽ giúp giải quyết thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội vốn đã trở nên nghiêm trọng bởi khủng hoảng hiện nay.

Đúng là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 và nối tiếp bằng cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở châu Âu không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn làm bộc lộ những bất cập của mô hình tăng trưởng trong thời gian nhiều thập kỷ trước đó. Người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất không ai khác là đông đảo người lao động cũng như người nghèo trên thế thế giới, kể cả người lao động và người nghèo tại những quốc gia vốn được xem là giàu có nhất.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Juan Somavia, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 không phải là một “biến cố” trên con đường phát triển của thế giới mà là hậu quả đã được tích tụ từ các mô hình toàn cầu hóa được hình thành từ thập kỷ 1980, được đẩy nhanh trong thập kỷ 1990 và đến nay đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Hệ quả của nó là hơn 30 triệu người đã bị mất việc làm kể từ khi khủng hoảng bùng nổ năm 2008, nâng tổng số người thất nghiệp lên mức khoảng 220 triệu người hiện nay, trong đó 75 triệu là thanh niên.

Bên cạnh đó, hiện cũng có 910 triệu người lao động trên thế giới chỉ kiếm được chưa đầy 2 USD mỗi ngày, tức là dưới mức nghèo khổ theo chuẩn của LHQ. Khoảng 75% dân số thế giới không được bảo vệ xã hội thích hợp, 40 triệu người bước vào thị trường lao động mỗi năm nhưng các nền kinh tế không thể đáp ứng việc làm cho họ. 

Để xử lý những vấn đề đặt ra từ cuộc khủng hoảng gây “chấn thương lớn nhất” cho nền kinh tế và xã hội toàn cầu trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, từ ILO đến Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)... và mới đây là WEF cùng cho rằng cần phải thay đổi mô hình phát triển. Bởi nếu không, theo Tổng Giám đốc ILO Somavia, cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn tiếp tục không suy giảm và dẫn tới hậu quả là cứ 1 trong 3 người lao động, hay ước khoảng 1,1 tỷ người, sẽ bị thất nghiệp hoặc sống trong nghèo đói. 

Chủ tịch WEF nhấn mạnh, thế giới cần thay đổi mô hình trong đó kinh doanh là động lực thúc đẩy tiến bộ kinh tế nhưng phải luôn luôn phục vụ xã hội. Các nhà kinh doanh tư nhân cần sát cánh với chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự để tạo ra sức mạnh tổng hợp cần thiết, cải thiện hiện trạng của thế giới đương đại, đảm bảo tăng trưởng kinh tế phải dẫn đến phát triển xã hội.