Đối mặt 5 “cơn sốc toàn cầu”

ANTĐ - Bên cạnh những thời cơ, toàn cầu hoá luôn đi kèm với những nguy cơ lớn. Tính hai mặt của tiến trình toàn cầu hoá một lần nữa được Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy lên tiếng cảnh báo.
 Thông tin từ thị trường chứng khoán New York - Mỹ luôn được cả thế giới theo dõi

 Thông tin từ thị trường chứng khoán New York - Mỹ luôn được cả thế giới theo dõi

 

Ngày 14-7, Tổng Giám đốc Lamy đã cảnh báo về các nguy cơ toàn cầu hóa. Những nguy cơ này, theo ông Lamy, là các hiểm họa như bất ổn tài chính, mất cân bằng kinh tế, ô nhiễm môi trường, bất công tăng, tội phạm không gian mạng ngày càng khó quản lý…

Việc người đứng đầu WTO thay vì cổ suý cho toàn cầu hoá lại lên tiếng về mặt trái của tiến trình này cho thấy những quan ngại và nguy cơ không thể xem thường. Tổng Giám đốc WTO lưu ý, vào thời điểm hiện nay, những hiểm họa trên không phải là mới, nhưng thay đổi lớn nhất là tác động của toàn cầu hóa đối với bức tranh địa chính trị toàn cầu.

Hội nhập đầy đủ và sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hoá như tham gia vào các tổ chức kinh tế, tài chính toàn cầu như WTO, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB)... được coi là điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Thậm chí có người còn xem đó như phép màu cho sự cất cánh của đất nước.

Thế nhưng đến khi thực sự mở rộng cửa để hội nhập sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hoá mới thấy rõ cùng với những cơ hội là vô vàn thách thức. Thách thức từ lĩnh vực kinh tế cho tới chính trị-xã hội, môi trường, công nghệ...

Tác động to lớn nhất, trực diện nhất và cũng dễ nhận thấy nhất là lĩnh vực kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ châu Á năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu năm 2008 là những minh chứng sống động.

Thái Lan và nhiều nền kinh tế ở châu Á từng được ca ngợi hết lời là những con rồng, con hổ mới khi dòng vốn thế giới dồn dập đổ vào. Thế nhưng, khi dòng vốn này rút ra một cách ồ ạt đã nhanh chóng nhấn chìm nền kinh tế Thái Lan, đẩy không chỉ kinh tế nước này mà nhiều nền kinh tế khác ở châu Á vào cuộc khủng hoảng tồi tệ cuối những năm 1990.

Trước cảnh báo của Tổng giám đốc WTO không lâu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho rằng toàn cầu hoá đang tăng lên cũng làm tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới. Theo OECD, sự liên kết quốc tế và tốc độ lưu chuyển của con người, hàng hoá, dữ liệu càng lớn và sâu sắc cũng sẽ làm cho chính các nhân tố này trở nên rắc rối hơn trong tương lai.

OECD nhấn mạnh ngoài các hiểm họa truyền thống như chiến tranh, sự xâm chiếm, nạn đói… thế giới còn đang đứng trước 5 “cơn sốc toàn cầu”, gồm dịch bệnh do virus, tấn công mạng, khủng hoảng tài chính, rối loạn kinh tế xã hội và các cơn bão địa từ. Tổ chức này nhận định, các “cơn sốc gây tổn thương lớn” đang trở nên thường xuyên hơn và gây thiệt hại kinh tế xã hội cho thế giới ngày càng lớn hơn.

OECD nhấn mạnh cần theo đuổi hợp tác quốc tế để giảm và ngừng các mối đe dọa trước khi chúng lan ra toàn cầu, dự báo và đánh giá chính xác hơn các cơn sốc tiềm tàng.