Đội lốt hàng… Trung Quốc, hàng hiệu bạc tỷ nhập lậu vào Việt Nam

ANTĐ - Với chiêu phù phép hàng hiệu nổi tiếng thành hàng Trung Quốc trôi nổi, đường dây buôn lậu của một Việt kiều Mỹ đã qua mặt được cơ quan chức năng suốt thời gian dài, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Vậy “ông trùm” này đã dùng thủ đoạn nào để đưa được hàng hóa vào Việt Nam?

Đội lốt hàng… Trung Quốc, hàng hiệu bạc tỷ nhập lậu vào Việt Nam ảnh 1Lê Hồng Đức cùng 2 cán bộ hải quan đã phải nhận những án phạt thích đáng

Những lô hàng tiền tỷ

Ngày 27-11-2012, tại tầng hầm khách sạn Sheraton (số 88 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an TP.HCM bắt quả tang 4 xe tải chở 114 kiện hàng đựng 1.253 sản phẩm là quần áo, túi xách, thắt lưng… Kết quả kiểm tra cho thấy, các hàng hóa trên đều mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Dolce&Gabana, mỗi sản phẩm có giá hàng chục triệu đồng tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng, theo tờ khai hải quan, toàn bộ lô hàng này đều gắn mác Made in China. 

Mở rộng điều tra, tại 2 cửa hàng Milano và Gucci đặt tại khách sạn Sheraton - một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất Sài Gòn, công an thu giữ thêm 1.978 sản phẩm mang nhãn hiệu Gucci, D&G, Dolce& Gabana xuất xứ từ Italia, Ấn Độ, Hy Lạp nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Theo kết quả định giá, tổng cộng số hàng hóa bị phát hiện và thu giữ lên tới  32,7 tỷ đồng. Từ đây, một đường dây buôn lậu hàng hiệu số lượng lớn được bóc tách.  

Tại cơ quan điều tra, kẻ trực tiếp đứng ra áp tải lô hàng trên - Lê Hồng Đức (SN 1978, trú quận 1, TP.HCM) thừa nhận bản thân là người nhận hàng về kho của cửa hàng Milano tại tầng hầm khách sạn. Tuy nhiên, Đức khai ông chủ thật sự của 2 cửa hàng trên là Trần Anh Tuấn (tức Tuấn Trần hay Tuấn @ - một người Việt định cư tại Mỹ).

Khách của 2 cửa hàng Milano và Gucci đặt tại khách sạn Sheraton chủ yếu là giới “đại gia”. Những mặt hàng như quần áo, giày dép, túi xách bày bán ở đây đều mang  các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Dolce&Gabana, Roberto Cavalli… xuất xứ “xịn” từ Italia. Để thu được lợi nhuận cao và trang trải khoản chi phí kinh doanh không hề nhỏ, Tuấn @ đã tìm cách nhập lậu hàng hiệu về Việt Nam.

Đường về của hàng hiệu

Kết quả điều tra cho thấy, vợ chồng Tuấn đứng ra thành lập Công ty TNHH Gia Phát Thành nhưng nhờ một người khác đứng tên. Sau đó, thông qua pháp nhân là Công ty Gia Phát Thành, Tuấn đặt mua các sản phẩm hàng hiệu của các hãng thời trang châu Âu. Sau đó, Tuấn chỉ đạo Cao Thị Anh Thư - Trưởng bộ phận xuất nhập khẩu của công ty mở tài khoản tại ngân hàng để thanh toán cho đối tác nước ngoài và vận chuyển hàng hóa về Hồng Kông (Trung Quốc).

Sau khi hàng hóa được đưa về Hồng Kông, Tuấn chỉ đạo Lê Hồng Đức thuê các pháp nhân Việt Nam như Công ty TNHH Nam Đế, Công ty TNHH Tôn Nguyên đứng ra làm thủ tục nhập khẩu. Sau thao tác này, Đức đưa thông tin để Cao Thị Anh Thư liên hệ với một công ty ở Hồng Kông làm vận tải đơn. Sau đó, Nam Đế và Tôn Nguyên nhập hàng về Việt Nam giao lại cho Tuấn. Tại các tờ khai, hàng hóa được ghi là hàng hóa không nhãn hiệu, xuất xứ từ Trung Quốc. 

Ngày 26-11-2012, công ty Nam Đế đứng ra nhập khẩu cho Tuấn lô hàng gồm 114 kiện nói trên. Trị giá hàng hóa được ghi trên chứng từ là 3.725 USD tương đương 77,6 triệu đồng, số tiền thuế phải nộp là 28,3 triệu đồng. Trong khi, giá trị thực tế lô hàng được xác định lên tới 17,3 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng phi vụ này, “ông trùm” buôn lậu đã trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước 552,3 triệu đồng. Góp phần gây ra thiệt hại trên có một phần lỗi của 2 cán bộ hải quan liên quan trong vụ án là Nguyễn Văn Sáng (SN 1967, trú quận 11, TP.HCM) và Nguyễn Bửu Quý (SN 1962, trú quận Gò Vấp, TP.HCM).

Hai bị cáo này là các viên chức Hải quan nhưng khi kiểm tra hàng nhập khẩu đã không thực hiện đúng quy trình, không kiểm tra đối chiếu hàng hóa thực tế với nội dung hóa đơn chứng từ, tạo điều kiện cho Tuấn và đồng bọn thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. Khi hành vi bị phát hiện, Tuấn đã xuất cảnh, Cơ quan CSĐT đã ra lệnh truy nã và đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam ra lệnh truy nã quốc tế đối tượng này, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

 Ngày 15-4, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Hồng Đức 8 năm tù về tội “buôn lậu”. Hai bị cáo Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Bửu Quý lĩnh án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Một số cá nhân liên quan trong vụ án, quá trình điều tra xác định hành vi của các đối tượng này chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự nên không khởi tố.