Đối diện sự thật quan hệ giữa Nga và Mỹ

ANTĐ - Vụ rắc rối quanh cựu nhân viên tình báo Mỹ CIA Edward Snowden cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc Nga và Mỹ sẽ còn có thể xấu đi hơn nữa, trước khi có thể hồi phục trong tương lai. Giới chức Mỹ còn bóng gió rằng Obama có thể hoãn lại chuyến đi tới Moscow vào tháng 9 tới đây, nhân Hội nghị Thượng định G20 tại St Petersburg.

Mâu thuẫn giữa hai Chính phủ qua cách giải quyết đối với Snowden, cựu nhân viên nhà thầu của cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, người đã tiết lộ với toàn thế giới về chương trình nghe lén của Mỹ  chỉ là một trong hàng loạt bất đồng giữa hai cường quốc.  Từ cuộc nội chiến ở Syria đến tân Tổng thống Iran hay chương trình cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, quan điểm của Mỹ và Nga đều đang cách xa nhau. Chưa kể việc đôi bên đã áp dụng cách ăn miếng trả miếng như thời Chiến tranh Lạnh Nga không cho người Mỹ nhận con nuôi nữa, trong khi Mỹ đưa 18 người Nga vào danh sách đen về vi phạm nhân quyền… Mặc dù điện Kremlin tuyên bố vấn đề Snowden không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương, thì các quan chức chính quyền Obama và các nghị sĩ Mỹ cho rằng một khi Moscow đã cho phép anh ta tị nạn, mọi chuyện giữa Nga và Mỹ sẽ không còn như xưa.

Phóng viên Daniel Sandford của hãng tin BBC tại Moscow cho rằng quan hệ Nga-Mỹ đã ở trạng thái tồi tệ và sau động thái mới nhất của Nga thì mối quan hệ này giờ đây đã trở nên xấu hơn. Tổng thống Mỹ có thể sẽ không tới dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp G20 tại St Petersburg vào tháng 9, trong một chuyến đi bao gồm cả cuộc gặp song phương theo kế hoạch với Putin ở Moscow. Một số nghị sĩ Mỹ thậm chí còn đề nghị tẩy chay Đại hội thể thao Mùa đông mà Nga làm chủ nhà tại thành phố Sochi, nhưng giới phân tích cho rằng điều này sẽ là bước đi quá xa đối với quan hệ giữa hai cường quốc. Vì thế, khoảnh khắc của sự thật đang đến với cả Moscow và Washington trong quan hệ được cho là không đối đầu giữa hai cường quốc hậu Chiến tranh Lạnh. “Bầu không khí chính trị ở Washington về Nga đang vô cùng căng thẳng”, Andrew Weiss, cựu cố vấn của tổng thống Bill Clinton về Nga cho biết. “Sự giận dữ đối với Nga đã tồn tại âm ỉ từ lâu, và Snowden là mồi lửa”. 

Có thể nói việc đồng ý cho Snowden tị nạn không phải là chủ đích ban đầu của Nga bởi nếu như chỉ đơn thuần là vấn đề tình báo thì ông Putin và cả Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã đón chào Edward Snowden ngay từ khi cựu nhân viên CIA đặt chân xuống sân bay Moscow. Nga cũng tỏ ra không quan tâm đến những thông tin Snowden tiết lộ với thế giới. Thậm chí Tổng thống Nga Putin còn từng đưa ra quan điểm nếu như Snowden chấm dứt tiết lộ những thông tin mật của nước Mỹ, Nga có thể sẽ đồng ý đơn xin tị nạn của Snowden. Ông Andrew Wood, người đã từng là Đại sứ Mỹ tại Nga cho rằng: “Việc Nga tiếp nhận Snowden là một điều khá thú vị. Vụ Snowden chính là cơ hội để Nga có một câu trả lời rõ ràng về vấn đề nhân quyền của Moscow với phương Tây”. 

Mỹ đã từng phàn nàn về tình trạng nhân quyền ở Nga trong thời gian gần đây nhưng Mỹ không thể lường trước được rằng Moscow lại có thể sẵn sàng tiếp nhận Snowden. Với Nga, Snowden như một biểu tượng để nói với phương Tây rằng Mỹ và các đồng minh không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác. Moscow lại đưa ra nguyên tắc cũng hoàn toàn đúng về pháp lý, và là nguyên tắc được thế giới đề cao, đó là: một cường quốc đích thực không thể bỏ qua “những cân nhắc nhân đạo”. Giấy phép tị nạn tại Nga dành cho anh này được công bố chỉ hai ngày sau khi binh sĩ Mỹ Bradley Manning bị buộc tội với mức án lên đến 136 năm tù, do đã cung cấp các thông tin mật của Mỹ cho trang web Wikileaks. 

Cựu điệp viên Edward Snowden đã lên tiếng bày tỏ niềm biết ơn đối với nước Nga: “Tôi xin cảm ơn nước Nga vì đã cho phép tôi được tị nạn bằng luật pháp của họ và trách nhiệm quốc tế”. Luật sư Anatoly Kucherena cho biết giấy thông hành do Cơ quan Di trú Liên bang Nga cấp cho Snowden cho phép anh này được sinh sống, làm việc và đi lại trên lãnh thổ Nga trong vòng một năm và có thể được gia hạn từng năm một. Snowden “không có kế hoạch” rời nước Nga và anh này đang học tiếng Nga cũng như nghiên cứu văn hóa và lịch sử Nga để sinh sống lâu dài ở Nga. Snowden nhận được lời mời làm việc cho một công ty mạng xã hội hàng đầu của Nga hôm qua, chỉ vài giờ sau khi được phép tị nạn.

Ngày 2-8, Đại sứ McFaul đã gặp trợ lý của Tổng thống Nga Yuri Ushakov để thảo luận về quan hệ Mỹ-Nga. Hai bên đã thảo luận về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, phòng thủ tên lửa, Syria, thương mại, quyền con người và Snowden. Ông Ushakov cho rằng vấn đề liên quan tới cựu nhân viên tình báo này chưa đủ để tác động đến quan hệ chính trị giữa Nga và Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố Đại sứ McFaul và các nhân viên dưới quyền ông vẫn tiếp tục giải thích rõ quan điểm của Washington với giới chức Nga liên quan đến vấn đề trao quy chế tị nạn tạm thời cho Snowden.

Với Nga, đây là lúc xác định rõ bản sắc của chính sách đối ngoại của mình. Cho đến nay chính sách của Nga vẫn tập trung vào lợi ích quốc gia. Còn với Mỹ đội ngũ chính sách ngoại giao từ thời Clinton từng được đánh giá rằng họ đã luôn đòi hỏi từ Nga, và nước Nga thời Boris Yeltsin đã nhiều lần đáp ứng. Nhưng Nga ngày nay sẽ không dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi gây bất lợi cho họ nữa. Ví như các cuộc tập trận khổng lồ mới đây của Nga ở Viễn Đông. Moscow không có kế hoạch gây chiến với bất kỳ nước nào ở khu vực này từ Nhật đến Trung Quốc. Nhưng những cuộc diễn tập bất ngờ từ đầu năm nay ở Nga vẫn bỏ ngỏ không cho biết rõ mục đích tập trận rầm rộ là để làm gì.