Đòi chủ quyền bằng pháp lý

ANTĐ - Bolivia và Chile đang lao vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài, phức tạp, song có thể giúp hai quốc gia láng giềng ở Mỹ Latin này tránh được sự đối đầu căng thẳng, thậm chí là xung đột, trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Chính phủ Bolivia cho biết Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) đã đồng ý xét xử vụ nước này kiện Chile. Cả Ngoại trưởng Bolivia David Choquehuanca và đại diện nước này tại ICJ Eduardo Rodriguez Veltze trong ngày 30-4 đã cùng thông báo quyết định trên của ICJ và cho biết Bolivia đã dịch và chứng thực các tài liệu liên quan để trình lên ICJ.

Bolivia kiện Chile ra ICJ nhằm khôi phục quyền có đường ra biển Thái Bình Dương mà nước này đã mất về tay quốc gia láng giềng Chile trong cuộc chiến tranh cách đây hơn 1 thế kỷ. Trước đó, 2 quốc gia đồng minh Bolivia và Peru cùng thất bại trước Chile trong cuộc chiến mang tên Chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1883), trong đó Bolivia mất toàn bộ 400 km bờ biển và khoảng 120.000 km2 đất, còn Peru mất đất. 

Cho dù Bolivia và Chile cùng ký Hiệp ước hòa bình và hữu nghị vào năm 1904, thiết lập các đường biên giới chung, song Bolivia nhiều năm sau đó đã liên tục gây sức ép buộc Chile phải trả lại đường ra biển. Tuy nhiên, Chile đã thẳng thừng bác bỏ, cho rằng vấn đề trên là không thể đàm phán vì chính Bolivia đã ký hiệp ước năm 1904, công nhận đường biên giới thực tế lúc đó giữa hai nước.

Được “khích lệ” bởi việc ICJ hiện đang thụ lý giải quyết vụ Peru kiện Chile từ năm 2008 liên quan tới ranh giới trên biển, Bolivia từ nhiều năm nay đã chuẩn bị hồ sơ kiện tụng. Chính phủ Bolivia ngày 24-4 đã nộp đơn kiện Chile ra ICJ để đòi lại đường ra biển Thái Bình Dương và được tòa án này tuyên bố đồng ý thụ lý vào ngày 30-4. 

Chính quyền Bolivia đang rất quyết tâm theo đuổi vụ kiện bởi theo như Tổng thống nước này Evo Morales, việc không có đường ra biển khiến chi phí xuất nhập khẩu của Bolivia gia tăng với mức tương đương 1,5% GDP. Trong khi đó, Tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng tỏ ra tự tin tuyên bố sẽ bảo vệ từng mét vuông lãnh thổ và lãnh hải, và nước này sẽ không nhường chủ quyền cho bất kỳ nước nào.

Theo giới quan sát, vụ Bolivia kiện Chile ra ICJ sẽ kéo dài và phức tạp, rắc rối về pháp lý. Ngay Tổng thống Bolivia Morales khi quyết định kiện Chile cũng đặt mục tiêu khôi phục đường ra biển cho nước này vào năm 2025, tức là sau tới hơn 20 năm nữa.

Hiện chưa biết khi nào ICJ mới đưa ra phán quyết và phán quyết đứng về phía nào song việc Bolivia đưa ra tòa chứ không phải là các biện pháp khác, ví như dùng vũ lực, giúp quan hệ giữa hai nước cũng như tình hình khu vực bớt căng thẳng hơn. Thông báo việc ICJ đồng ý xử vụ kiện, Ngoại trưởng Choquehuanca nhấn mạnh, việc Bolivia kiện Chile không phải là hành động thù địch hoặc làm phương hại quan hệ song phương giữa hai quốc mà chỉ nhằm mục tiêu khôi phục quyền có đường ra biển của Bolivia.