Đôi chân có cấu tạo đặc biệt của cô gái chiến thắng bệnh tim, đoạt HCV điền kinh SEA Games 27

ANTĐ - Những ngày này, người dân làng Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) trở nên xôn xao khi truyền hình, báo đài đưa tin về cô bé Phạm Thị Bình đoạt HCV tại SEA Games. Cái con bé bé tí, đen nhẻm, suốt ngày chăn vịt, chăn bò, lại từng bị bệnh tim bẩm sinh, ấy vậy mà nay nó được lên truyền hình, không chỉ gia đình cô Bảy vịt (bố mẹ Bình làm nghề bán cháo vịt) tự hào mà cả cái làng này cũng tự hào thay.

“Nữ hoàng chân trần”

Nói Phạm Thị Bình là người giải tỏa cơn khát Huy chương cho điền kinh Việt Nam không sai, bởi trước giờ Bình thi đấu, điền kinh Việt Nam đã phải trải qua những nỗi thất vọng lớn. HCV của Phạm Thị Bình được coi là bất ngờ ngoài sức mong đợi, vì ở nội dung marathon, thi cùng cô là hàng loạt vận động viên rất mạnh của các nước bạn. Dù vậy, bất chấp những thách thức đó, bằng ý chí, quyết tâm đến phút chót  cộng với chiến thuật thi đấu hợp lý, Phạm Thị Bình đã chiến thắng ở nội dung marathon với thành tích 2 giờ 46 phút 3 giây, xuất sắc mang về chiếc HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 27. 

Cũng nhờ tấm HCV tại SEA Games 27, Phạm Thị Bình được coi là niềm vinh dự của điền kinh Việt Nam, người ta gọi cô với biệt danh “Nữ hoàng chân trần”. Sở dĩ như vậy là vì trong khi thi đấu và tập luyện, Bình không bao giờ mang giày, dù là đường phẳng hay trên những đoạn đường đầy sỏi đá. Giải thích về điều này, Bình cho biết do từ bé đã quen đi chân đất, hơn nữa đôi chân của cô có cấu tạo khá đặc biệt, gan bàn chân rất mỏng, các ngón chân thì cứ… vểnh ngược lên, bởi vậy khi mang giày rất khó, giày không vừa vặn với chân lại chèn ép các ngón chân gây tụ máu, đau nhức. Đặc biệt do bệnh tim bẩm sinh nên mồ hôi chân ra rất nhiều, khi mang giày luôncảm thấy khó chịu và vướng víu nên cô quyết định chỉ chạy chân trần. Bàn chân mỏng mảnh của cô gái ngày nào cũng phải chạy trên quãng đường hàng chục cây số khiến nó trở nên chai sạn, thậm chí… mất cả cảm giác với điều kiện thời tiết.

Theo Phạm Thị Bình, ở SEA games 27, điều kiện thi đấu còn là khá thuận lợi với đôi chân trần của cô bởi đường chạy dù là bê tông cứng nhưng khá bằng phẳng, mịn màng. Tại nhiều giải đấu, đôi chân của Bình phải vượt quãng đường hơn 42km với sỏi đá lổn nhổn, lại có khi phải chạy trên những con đường lạnh như băng khiến cô gặp nhiều bất lợi. Dù vậy, Bình bảo lúc mới chạy thì thấy đau, nhưng khi vào thi đấu thì cái tinh thần chiến đấu lấn át mọi cảm giác, lúc đó chỉ nghĩ  làm sao chạy nhanh nhất có thể chứ không còn nghĩ đến việc đau hay không nữa.

Sức mạnh “phi thường” của trái tim không hoàn hảo

Phạm Thị Bình sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo ở Quảng Ngãi. Bình là con thứ 5 trong gia đình 7 anh chị em. Do hoàn cảnh khó khăn nên các anh của Bình đều nghỉ học giữa chừng còn Bình thì một buổi đi học, một buổi phụ bố mẹ chăn bò, chăn vịt. 9-10 tuổi, Bình đã phải đi bộ vượt quãng đường 5km đầy sỏi đá để theo cha lên núi làm ruộng, dù vào mùa đông rét buốt hay mùa hè nắng như đổ lửa cũng đều đặn như vậy. Dù vậy, Bình vẫn luôn cố gắng học giỏi, em được học lớp chọn và liên tục đạt học sinh khá, giỏi.

Bình nói đùa, có lẽ vì hồi nhỏ phải đi bộ theo cha lên núi nhiều quá nên em có “năng khiếu” đi nhanh. Khi học cấp 2, Bình tham gia giải điền kinh trường, giành giải nhất, rồi cứ thế thi huyện, thi tỉnh đều vô địch. Năm 2009 có thể coi là bắt đầu may mắn cho sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của Bình khi cô giành tấm HCB tại giải vô địch quốc gia. Sự khởi đầu may mắn ấy tưởng sẽ mở ra một tương lai rộng mở cho cô gái chân đất, nhưng cánh cửa như đóng sập trước mặt Bình. Tháng 9-2010, trong một lần khám sức khỏe để nhập học trường ĐH TDTT Đà Nẵng, bác sĩ cho biết cô bị tim bẩm sinh, cần mổ gấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. “Đó là điều em không thể ngờ được, vì trước giờ sức khỏe của em khá tốt, dù người nhỏ bé nhưng em làm được những việc mà không phải ai cũng làm được. Bởi vậy khi biết mình bị tim bẩm sinh, em đã suy sụp hoàn toàn. Em bảo bác sĩ, làm sao cháu bị tim được, cháu là vận động viên điền kinh cơ mà. Bác sĩ ngạc nhiên: Cháu đùa hay thật vậy?” - Bình kể lại. “Lúc đó nghĩ chắc mình sắp chết chứ đừng nói là mơ ước sẽ được thi đấu trở lại. Bởi số tiền phẫu thuật lên tới gần 50 triệu đồng, gia đình em lấy đâu ra”.

May mắn cho Bình, biết hoàn cảnh và nghị lực của cô, một nhà hảo tâm phối hợp với bệnh viện Hoàn Mỹ đã hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho Bình. Trải qua 3 ca phẫu thuật suôn sẻ, sức khỏe Bình hồi phục tốt, cô trở lại đường piste một cách thần kỳ không ngờ.

Đã nhiều lần muốn… giải nghệ

Bình cũng không biết tại sao mình hồi phục nhanh đến vậy, có lẽ chỉ có thể lý giải lòng đam mê, niềm khao khát thi đấu là động lực chính của cô. Dù bác sĩ khuyên không nên làm việc quá nặng nhọc nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi phẫu thuật Bình đã quay lại luyện tập và giành 2 HCB ở Đại hội TDTT toàn quốc tại Đà Nẵng sau đó ít lâu. Năm 2011 được coi là nhiều thành công trong sự nghiệp của Bình, tháng 7 năm đó tại giải điền kinh vô địch châu Á diễn ra ở Phuket, Thái Lan, Bình đã xuất sắc đoạt HCĐ ở nội dung marathon. Đến SEA Games 26 cùng năm tại Indonesia, Phạm Thị Bình xuất sắc đoạt cú đúp HCB ở nội dung 10.000m và marathon. Cũng tại kỳ SEA Games này, cô vinh dự được kết nạp Đảng trên đất khách nhờ những hy sinh và sự cống hiến của mình.

Dù đạt nhiều thành tích như vậy nhưng Bình cho biết, mình đã nhiều lần nghĩ đến chuyện giải nghệ. Marathon là cự ly dài nhất, khó khăn nhất trên đường chạy điền kinh, không chỉ đòi hỏi một ý chí, nghị lực tuyệt vời mà còn phải có thể lực tốt. Năm 2006, khi đã quá quen với đường chạy 10.000m, Bình muốn được thử sức ở nội dung “khó nuốt” nhất của điền kinh - marathon (42,195km). Cô tâm sự rằng khi tập ở Đà Nẵng, thấy các anh chị chạy nội dung này cô vừa sợ, vừa rất phục. Cô nghĩ với quãng đường dài như vậy, đi bộ có khi còn không có sức huống chi là chạy. Nhưng đã leo lên ngọn núi cao, lại muốn leo ngọn núi cao hơn nữa. Và Bình đã thử. Không ngờ lần thử đó đã khiến cô bén duyên và liên tục gặt hái thành công. Tuy vậy, Bình tâm sự: “Nhiều lúc tập em nghĩ hay mình nghỉ quách đi, chứ thế này cực quá. Các bạn thi đấu nội dung ngắn còn được nghỉ, mình thì ngày nào cũng chạy mấy chục km, ngày ít thì 20km, có ngày chạy tới 60-70km”.  Lần biết mình bị tim bẩm sinh, Bình cũng đã nghĩ đến chuyện giải nghệ vì bác sĩ khuyên nên dừng thi đấu kẻo nguy hiểm đến tính mạng nhưng may mắn sau ca phẫu thuật suôn sẻ, cô đã không gặp nhiều trục trặc khi trở lại đường đua.

Chứng kiến cảnh cô gái chân trần này thoăn thoắt trên đường chạy dưới cái nắng gắt ở Myanmar, giới truyền thông và các đoàn thể thao nước ngoài cũng phải bất ngờ. Sự nghiệp thể thao đem lại cho Bình nhiều may mắn nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Bình nói thật nhưng rất vui rằng sau SEA games này, cô bị sút tới… 6 kg, bước lên cân chỉ còn xấp xỉ 37kg vì tập luyện, thi đấu quá vất vả.

Về giải thưởng của mình, Bình cho biết tổng số tiền thưởng của cô sau SEA Games cũng trên dưới 100 triệu là điều mà cô chưa mơ tới bao giờ, số tiền đó Bình gửi về phụ bố mẹ sửa sang nhà cửa và nuôi các em đi học.