Đôi bạn nghèo trở thành thủ khoa

ANTĐ - Cả hai thủ khoa là em Kiều Văn Bắc và Trịnh Văn Chiến đều học ở trường THPT Yên Lãng, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội. Biết thân phận đều sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, Bắc và Chiến đã bảo ban và thi đua nhau trong học tập. Và kết quả là Kiều Văn Bắc đã trở thành thủ khoa của Đại học Giao thông vận tải với 27 điểm, và Trịnh Văn Chiến với 25 điểm đã đỗ thủ khoa của Đại học Khoa học và xã hội nhân văn. Đôi bạn chơi thân với nhau từ lâu, đều dành thủ khoa khiến người dân ở thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc không khỏi vui mừng.

Thủ khoa nuôi em thay cha mẹ

Chúng tôi tìm đến nhà của thủ khoa Trịnh Văn Chiến của trường Đại học Khoa học và xã hội nhân văn ở thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội ở phía sâu trong ngõ nhỏ lầy lội bùn đất. Căn nhà nhỏ được xây bằng những nguyên vật liệu thô, ít tiền. Đối với những bạn bè khác thì đây chỉ là ngôi nhà bình thường, nhưng với Chiến để có được nơi che nắng, che mưa này thì gia đình em đã phải trải qua nhiều khó khăn. Chiến nghẹn ngào cho biết rằng bố mẹ em đã phải xa nhà đi làm ăn để kiếm thêm thu nhập nuôi anh em Chiến ăn học. Chiến cũng ít khi được gần bố mẹ. Sau gần 10 năm, thành quả lao động của bố mẹ em chính là ngôi nhà nhỏ đơn sơ này. 

Trịnh Văn Chiến có kể cho chúng tôi rằng gia đình em chỉ có vỏn vẹn 1 sào ruộng, kinh tế gia đình rất khó khăn nên cha mẹ quyết định vào Nam làm ăn khi Chiến mới học lớp 3. Đến khi Chiến lên lớp 8, ngôi nhà nhỏ này mới được xây dựng và cả gia đình mới được đoàn tụ sau 5 năm xa cách. Suốt trong quãng thời gian đó, Chiến đã thay mặt cha mẹ chăm sóc cho 2 em trai của mình, Chiến kể: Em còn nhớ ngày vắng cha mẹ, cả 3 anh em đều sợ mọi thứ, sợ bóng tối, sợ đêm đen, và nhất là… sợ ma. Chiến đều giục các em học bài thật sớm để đi ngủ sớm. Cả nhà khi đó chỉ có 1 bóng điện nhưng 3 anh em cũng không dám tắt. Nhưng thời gian trôi đi, cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày, 3 anh em Chiến buộc phải quen dần nếp sống đó. Khi đó Chiến cáng đáng việc nhà thay cha mẹ mà không nề hà việc gì. Buổi sáng Chiến thường dậy sớm nhất để rang cơm nguội, chuẩn bị đồ ăn đơn giản cho các em. Ăn xong, Chiến còn phải đưa từng đứa em đến trường, rồi sau đó mình mới đi học. Thời kỳ khó khăn của gia đình Chiến còn kéo dài, các bữa ăn của 3 anh em cũng chỉ là cho qua bữa. Chiến và các em cứ sống và học tập như vậy, với kim chỉ nam là học để thay đổi số phận, Chiến dạy bảo 2 người em trai của mình, và gương mẫu học tập để các em noi theo. 3 anh em Chiến khi đó chỉ có 1 triệu đồng/tháng được cha mẹ gửi từ trong Nam ra cho để trang trải cuộc sống. 

Có những lúc, em của Chiến bị ốm, Chiến không biết xoay xở thế nào. Ông bà nội ngoại thì ở xa, xung quanh cũng có họ hàng cô bác nhưng những lúc đêm hôm không phải lúc nào cũng nhờ vả ngay được. Chiến còn nhớ, mỗi buổi tối, Chiến phải học thật nhanh phần bài của mình, sau đó còn phải dạy những đứa em mình học. Nhìn Chiến dưới chiếc áo trắng học sinh non trẻ là vậy, chúng tôi thật sự không thể nghĩ em có thể chững chạc và bản lĩnh như thế. Em còn cười kể với chúng tôi rằng, ngày đó nếu các em lười học thì Chiến buộc phải mắng, rồi phạt hay nặng hơn là đánh đòn để giáo dục các em. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, Trịnh Văn Chiến chưa một giây phút nào có ý nghĩ đầu hàng với số phận, hay an phận mà buông xuôi. Em lao vào học, đạt kết quả thủ khoa của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, em cũng vui lắm. Không như các bạn cùng trang lứa khác đợi ngày nhập học, sau khi biết tin mình đỗ đạt, Chiến đã theo người chị họ của mình ra Hà Nội để kiếm việc làm thêm với hy vọng giúp đỡ gia đình, và ít nhiều lo được việc ăn học cho bản thân mình. 

Chia sẻ với chúng tôi, Trịnh Văn Chiến cho biết em hy vọng sẽ làm được việc có ích cho đất nước, cho xã hội và giúp đỡ được nhiều người. Mặc dù được nhiều người khuyên là nhà nghèo thì lo mà đi học kinh tế, để hy vọng đổi đời… nhưng Chiến vẫn giữ cho mình sở thích là làm chính trị. Chắc chắn Chiến sẽ cố gắng để theo đuổi giấc mơ đó, nhất là khi em sẽ nhập học vào khoa Chính trị học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. 

Thủ khoa là chỗ dựa cho mẹ 

Khác với hoàn cảnh của Trịnh Văn Chiến, Kiều Văn Bắc đã và đang trở thành chỗ dựa tinh thần rất lớn cho người mẹ của mình. Cách ngôi nhà của thủ khoa Trịnh Văn Chiến vài bước chân, chúng tôi tìm đến nhà thủ khoa Kiều Văn Bắc. Cũng chung con ngõ ấy, cũng chung hoàn cảnh khó khăn ấy, nhưng Kiều Văn Bắc lại có nét già dặn hơn so với những bạn cùng trang lứa. Hoàn cảnh gia đình của Bắc rất đặc biệt, chỉ có 2 mẹ con Bắc ở với nhau. Suốt một quãng thời gian dài, 2 mẹ con Bắc nương tựa vào nhau để sống. Bắc chính là niềm vui và động lực của mẹ không những thế em còn là một chỗ dựa vững chắc cho mẹ mình vì bố của Bắc không sống cùng với mẹ con em.

Bắc và Chiến chơi thân với nhau, bảo ban nhau học hành, nên khi tin Bắc cũng trở thành thủ khoa thì mẹ Bắc mừng rỡ lắm. Vui thì cũng vui những mà mẹ của Bắc cũng lo lắm. Việc đi học của Bắc bây giờ phải trông chờ vào… đàn lợn giống. Biết gia đình khó khăn, Bắc đã có ý định thi vào trường Học viên Kỹ thuật quân sự để đỡ được tiền học phí. Nhưng trớ trêu thay, Bắc đã bị loại ngay từ vòng sơ tuyển do không đủ sức khỏe và mắt bị cận. Mẹ Bắc cho biết, em cũng rất hay bị ốm đau, ngày còn đi học, em cũng phải nghỉ học nhiều lần do sức khỏe ốm yếu. 

Sức khỏe yếu là vậy nhưng Bắc đang dần trở thành một người đàn ông trụ cột trong gia đình, lo lắng giúp đỡ mọi việc cho mẹ. Ước mơ của Bắc là trở thành một kỹ sư giỏi. Mặc dù cả Chiến và Bắc đều là thủ khoa, nhưng cả 2 đều biết rằng đây chỉ bước khởi đầu, và con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn.

Cô giáo chủ nhiệm của Chiến và Bắc, cô Kiều Lệ Thủy cho biết Bắc luôn là một học sinh giỏi toàn diện. Bắc còn rất yêu thương mẹ. Bắc cũng là người có ý chí rất cao. Còn với Chiến thì em luôn là niềm tự hào của cô và của toàn thể trường THPT Yên Lãng. Vẫn biết phía trước là những khó khăn, vẫn biết phía trước còn nhiều thử thách, 2 tân thủ khoa có hoàn cảnh đặc biệt còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng tin chắc với nghị lực của mình, cả hải thủ khoa sẽ cùng nhau phấn đấu học tập và sẽ thành công.