Dốc sức chăm "chiến binh" ức chế virus Zika

ANTĐ - Đầu tháng 3-2016, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chính thức công nhận loại muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia đang nuôi tại làng đảo Trí Nguyên, Nha Trang, Khánh Hòa có khả năng ức chế sự phát triển của virus Zika (gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh). 

Dốc sức chăm "chiến binh" ức chế virus Zika ảnh 1

Chăm muỗi như chăm con mọn

Theo quy trình hiện nay, trứng muỗi aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia được thu thập, bảo quản tại phòng thí nghiệm và chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang. Tại Viện Pasteur Nha Trang, trứng được ấp nở thành lăng quăng và nuôi đến 2-3 ngày tuổi. Sau đó, muỗi được chia vào các lọ với số lượng khoảng 25-30 con và chuyển sang đảo Trí Nguyên cho người dân chăm sóc. Đến khi muỗi trưởng thành thì thả ra để loại muỗi này tiêu diệt và thay thế các loại muỗi độc tự nhiên. 

Ngư dân Nguyễn Kiệm cho biết: “Chúng tôi rất háo hức chăm sóc và quan sát muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia trưởng thành. Nhân viên hướng dẫn thế nào chúng tôi chăm như thế. Chăm còn khó hơn chăm con mọn. Chúng tôi phải chăm loại muỗi này từ lúc trong các cốc nước, bình nước cho đến khi nó trưởng thành có thể tấn công và hạ gục các loại muỗi gây hại khác như muỗi vằn, muỗi đen”… Cách đây không lâu, ngày ông Nguyễn Ðức Long, người dân ở làng đảo Trí Nguyên nhận ấu trùng muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia đầu tiên về “nuôi”, cả làng đảo nháo nhác. Họ bán tín bán nghi, cho rằng ông Long có vấn đề thần kinh vì những ngày tiếp theo chỉ thấy ông ở nhà và làm một công việc duy nhất là nhử muỗi.  

Dốc sức chăm "chiến binh" ức chế virus Zika ảnh 2

Ông Nguyễn Đức Long là người tiên phong tham gia dự án “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa triển khai: thuê người dân nuôi muỗi, huấn luyện họ thành những thợ nuôi muỗi chuyên nghiệp. Những con muỗi được sản sinh mới này sẽ gánh “trọng trách” lấn át những con muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành và là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân.

Muỗi vằn mang tác nhân sinh học Wolbachia được nuôi tại đảo Trí Nguyên nằm trong khuôn khổ dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” (một dự án thành phần của Chương trình “Loại trừ sốt xuất huyết” toàn cầu do Đại học Monash của Australia chủ trì) có khả năng khống chế sự phát triển của virus Dengue trong chủng muỗi này, an toàn với con người và thân thiện với môi trường.

Tại thực địa đảo Trí Nguyên, nơi đã được ứng dụng thả muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia từ tháng 5 đến tháng 11-2014, kết quả bước đầu cho thấy không có dịch sốt xuất huyết trên đảo Trí Nguyên kể từ năm 2014 cho tới nay, trong khi đó năm 2015 là năm tại TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa có dịch sốt xuất huyết lớn.Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng cho hay, qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia còn có khả năng “ức chế sự phát triển của virus Chikungunya và virus Zika”. 

Dốc sức chăm "chiến binh" ức chế virus Zika ảnh 3

Môi trường trên đảo Trí Nguyên rất thích hợp để phát triển đàn muỗi 

Từ đây, nỗi lo âu, hoài nghi, lấn bấn của dân đảo cuối cùng cũng được các tuyên truyền viên của dự án giải đáp ngọn ngành. Chẳng mấy chốc, từ người dân đầu tiên nhận nuôi, đến nay, đồng loạt cả 800 gia đình ở đảo Trí Nguyên đều… nuôi muỗi. 

Các “chiến binh” chế ngự virus Zika

Ra đảo Trí Nguyên những ngày này, khắp các ngõ ngách ai ai cũng bàn chuyện chăm muỗi và theo dõi muỗi. Bà Nguyễn Thị Lê, một trong những người “mát tay” trong việc chăm muỗi tâm sự: “Nếu chăm trẻ con phải để ý hắt hơi, xổ mũi, các bệnh thay đổi theo thời tiết thì chăm loại muỗi đặc biệt này cũng vậy. Nhất là sau khi được kiểm nghiệm, muỗi này có thể là “khắc tinh” của virus Zika thì chúng tôi càng tận tình chăm muỗi hơn”. Bà Lê và nhiều người khác bảo, cứ nhìn muỗi lớn lên từng ngày, phát triển thành muỗi trưởng thành rồi ra “chiến đấu” với các loại muỗi độc khác là vui lắm, cảm giác như vừa hoàn thành một công việc nhọc nhằn vậy. 

Kỹ thuật viên nuôi muỗi Lê Thị Thu Thảo cho biết: “Với kết luận kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về loại muỗi aegypti đang nuôi ở đảo Trí Nguyên thì chúng ta có quyền hy vọng loại muỗi này sẽ góp phần tích cực vào việc ức chế virus Zika khi đàn muỗi này được nhân rộng”.

Ông Ba Chính, một ngư dân hăng hái với dự án chăm sóc và nhân giống muỗi aegypti ở Trí Nguyên vui mừng bộc bạch: “Mấy lần tôi đã nhìn thấy muỗi aegypti tiêu diệt các loại muỗi vằn trên đảo Trí Nguyên rồi. Chính vì có các “người hùng” này nên tình trạng các bệnh truyền nhiễm qua muỗi, bệnh sốt xuất huyết không còn xuất hiện trên làng đảo. Mỗi con muỗi aegypti trưởng thành có thể tiêu diệt được hàng trăm con muỗi độc khác. Hơn nữa, loại muỗi aegypti này lại rất thân thiện với con người, có chích đốt cũng không hề gây tác hại gì”. 

Đây không chỉ là niềm vui mừng với những ngư dân trên đảo Trí Nguyên mà còn là một thành công đáng kể của nền y học Việt Nam. Một điều độc đáo nữa đối với muỗi aegypti trên đảo Trí Nguyên là muỗi đực sẽ gây mất khả năng đẻ trứng của muỗi cái khi giao phối, do vậy sẽ làm giảm một phần số lượng muỗi tự nhiên. Bà Thiều Thị Chung chia sẻ: “Loài muỗi eagypti này đúng là kỳ diệu. Nhiều khi thấy trong người bị mệt, tôi  cứ ngồi yên cho muỗi aegypti chích đốt lại thấy thoải mái hơn. Nhiều người không tin nhưng khi thử xong thì mới tin”.