Độc quyền lại được tăng quyền

ANTD.VN - Dự thảo quyết định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương soạn thảo vừa được đưa ra lấy ý kiến đã gây ra luồng dư luận xung quanh việc tăng thẩm quyền quyết định tăng giá điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương. Khi chưa có thị trường điện cạnh tranh, EVN đang nắm vị thế độc quyền lại được giao quyền định giá bán lẻ điện, liệu có chấp nhận được không?

Điều đáng quan tâm và lo ngại nhất trong bản dự thảo này là việc trao quyền tự quyết bán giá điện cho EVN trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3-5% so với giá bán điện hiện hành, trong khi Quyết định 69/CP của Thủ tướng Chính phủ đang có hiệu lực lại không trao quyền này.

Mặc dù biên độ mà EVN được quyết định chỉ nằm trong khoảng 3-5%, nhưng với tần suất 3 tháng/lần thì có nghĩa mỗi năm EVN được quyền chủ động tăng giá tới 20% khi giá đầu vào thay đổi tương ứng.

Đành rằng để doanh nghiệp tự quyết định giá bán trên cơ sở giá đầu vào sẽ giúp họ chủ động trong sản xuất kinh doanh, để giá cả theo cơ chế thị trường. Tuy vậy, với mặt hàng thiết yếu mà chỉ có EVN “một mình một chợ” thì chẳng khác gì “bóp chết” cạnh tranh bình đẳng. Không ít chuyên gia thị trường, ngay cả chuyên gia ngành điện cũng cảm thấy bất ngờ về việc để EVN tự quyết định giá bán.

Một vị chuyên gia cảnh báo rằng, dư luận nên ủng hộ giá cả phải tuân theo thị trường, nhưng phải có lộ trình và cần thiết chuẩn bị những điều kiện kèm theo. Đối với giá bán điện, nếu không cân nhắc thận trọng rất có thể bị “giật”, gây sốc, bởi điện năng là đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế. Nếu biên độ điều chỉnh giá điện lên tới 20%/năm được trao quyền cho EVN, chắc chắn sẽ vượt sức chịu đựng của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên. Cần nhắc lại rằng, đối với các mặt hàng còn độc quyền, nhất thiết phải do Nhà nước quản lý giá, điện càng phải quản lý chặt hơn.

Trong khi đó, dư luận vẫn bức xúc về việc minh bạch giá điện, nhất là minh bạch giá thành sản xuất điện. Các chi phí hao hụt hay do quản lý yếu kém cũng cần được tách bạch thì các chuyên gia, các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện và người tiêu dùng mới có cơ hội kiểm chứng xem các chi phí đầu vào tăng giá có đúng và hợp lý không.

EVN vẫn thống lĩnh thị trường về nguồn phát điện, giá truyền tải và phân phối điện tới tay người tiêu dùng chưa được công khai, kiểm toán, nếu sắp tới lại được quyết định giá bán thì vị thế độc quyền càng trở nên vững chắc, khó lay chuyển.