Độc đáo Bảo tháp Đại Bi nơi địa linh nhân kiệt

ANTĐ - Chùa Phúc Lộc (Phúc Lộc Tự) là ngôi chùa cổ nằm Ven sông Đào nay thuộc thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1440 hoàn thành khoảng năm 1442. (tính tới nay đã tròn 570 năm). Hiện chùa Phúc Lộc còn đang lưu giữ một số báu vật quý như: Chiếc chuông đồng cổ treo trên gác trước cổng trên có ghi: “Hoàng triều Cảnh Hưng. Vạn Vạn Niên. Chi nhị thập Tam Tuế” (như vậy có thể thấy Quả chuông cổ này được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 13 vào khoảng năm 1762 tính tới nay là 250 năm).

Trải qua hàng trăm năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, ngôi chùa gần như chìm vào quên lãng. Mấy năm gần đây, vị sư trụ trì chùa là Ni Sư Thích Đàm Thành được sự giúp đỡ của Tỉnh hội Phật Giáo Nam Định và được sự hỗ trợ từ các nhà Hảo tâm, Phật tử, Thiện trí thức công đức đã tiến hành trùng tu và mở rộng chùa. Ngày 17-11-2010 (tức ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần) chùa Phúc Lộc làm lễ khởi công trùng tu và xây dựng Bảo Tháp Đại Bi.

Bảo Tháp Đại Bi (ảnh Phùng Anh Tuấn)

Chùa Phúc Lộc có cảnh sắc và không gian thanh tịnh mang đậm chất Phật giáo. Bảo Tháp được thiết kế toạ lạc trong khuôn viên chùa Phúc Lộc nằm giữa 2 cây bồ đề cổ thụ. Mặt chính của Bảo tháp quay về hướng Nam, trước mặt là hồ nước trong xanh hình chữ nhật, dưới hồ được thiết kế một toà tháp với pho tượng Đức Phật Di Lặc là biểu hiện cho Đức Phật trong tương lai có Hoa sen thả xung quanh. Phía bên trái và bên phải Bảo Tháp có hai hồ sen nhỏ được gọi là Thanh Tịnh Hồ, hay còn gọi là Hồ Tẩy Trần. Đây là khu đất đắc địa đầy linh khí như một đặc ân mà trời đất đã dành cho dân chúng trong vùng.

Bảo tháp được xây dựng 13 tầng với chiều cao 48m, tượng trưng cho 48 hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà ở nơi thế gian và Phật Quan âm là người đã thực hiện các hạnh nguyện của Đức A Di Đà nơi tại thế với tinh thần ĐẠI BI CHÚ và PHỔ MÔN KINH. Cho nên có thể gọi là BẢO THÁP ĐẠI BI và PHỔ MÔN. Tháp có cấu trúc phía bên ngoài là hình bát giác, 8 cạnh bằng nhau, phân bố theo 8 hướng: Đông – Tây – Nam - Bắc - Đông nam - Đông bắc - Tây nam và Tây bắc.

Tầng 1 có 3 cửa chính đi vào được bố trí trên 3 cạnh của bát giác, tại mỗi cửa có hai vị Hộ pháp, Năm cạnh còn lại của mặt bên ngoài là tượng Phật Quan thế âm. Tam Bảo đặt tại (tầng 1) chính giữa thờ Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong tư thế đại định, bên trái là ngài Phổ Hiền biểu lộ cho lòng từ bi, bên phải là ngài Văn Thù biểu lộ cho trí tuệ. Mặt ngoài của tháp, từ tầng 2 đến tầng 12 có cấu trúc giống nhau diễn bầy 84 pho tượng Phật trong đàn pháp ĐẠI BI là hóa thân của các chư vị Bồ Tát. Trên mỗi tầng có bố trí 8 bức tượng bằng đồng quay ra phía bên ngoài được đúc bởi các nghệ nhân lành nghề mang tâm thành hiến dâng Phật pháp. Mỗi pho tượng là biểu hiện cho một sự hiển tướng của Quan âm, với lòng yêu thương chúng sinh vô bờ bến, vô lượng vô biên, ngài đã thực hiện những hạnh nguyện Bồ tát luôn luôn phổ độ giáo hoá chúng sinh.

Cấu trúc bên trong tháp là một hình tứ trụ được tạo thành 1 khối thông suốt theo một trục từ dưới lên đến đỉnh tháp. Bên trong có tổng số 33 pho tượng là hóa thân của đức Quan Âm trong kinh Phổ môn được bố trí đối diện nhau trên mỗi cạnh của hình tứ trụ đó. Tầng thứ 13 là tầng trên cùng, tổng cộng bao gồm 11 pho tượng, trong đó bên ngoài có 8 pho tượng đức A di đà trong tư thế đứng hướng mặt phía trước đại diện cho sự thông suốt trải qua 12 duyên nghiệp đến cảnh giới của tầng thứ 13 là đắc niết bàn với ý nghĩa phổ độ chúng sinh, một tay cầm hoa sen biểu hiện cho sự tiếp dẫn chúng sinh bằng giáo pháp, ý muốn nhắc nhở mọi chúng sinh luôn giác ngộ tâm hướng Phật, hướng đến sự giải thoát mọi khổ đau, diệt trừ vô minh, đoạn tận các khổ, an lạc nơi cảnh giới cực lạc niết bàn trong sự tiếp độ của đức A Di Đà.

Bài trí tượng bên trong tầng 13 có tượng Phật A Di Đà toạ ngồi mặt chính của hình tứ trụ (nhìn ra hồ), hai bên có 2 bức tượng bên trái là Quan Âm và bên phải là Đại Thế Chí. Toàn bộ số tượng này được bố trí cả bên trong lẫn bên ngoài cùng với ý tưởng xây dựng tháp ĐẠI BI được thiết kế theo cấu trúc hình bát giác và hình tứ trụ mang ý nghĩa của giáo pháp rất thâm sâu: Hình bát giác biểu hiện cho Bát chính đạo, với tinh thần giúp đỡ khiến cho khách tham quan và với mỗi chúng sinh khi nhìn vào Bảo tháp sẽ biết được ý nghĩa, thể nhập vào tâm thức tư duy của Bát chính đạo mà đức Phật đã chỉ dạy, đó là con đường đưa chúng sinh đến chỗ giác ngộ và giải thoát, gồm 8 điều chân Chánh, đó là: Chính kiến - Chính tư duy - Chính ngữ - Chính nghiệp - Chính mạng - Chính tinh tấn - Chính niệm và Chính định.

Bát Chính đạo giúp chúng sinh tìm được con đường giác ngộ và giải thoát, không thụ động chấp nhận, không cầu nguyện van xin, cắt đứt trói buộc, dẹp tan phiền não, thoát ly đau khổ, xây dựng được đời sống an lạc và hạnh phúc.

Hồ trước Bảo Tháp nhìn từ trên xuống (ảnh Phùng Anh Tuấn)

Hình tứ trụ được thiết kế bên trong bảo tháp có ý nghĩa nhắc nhở chúng sinh hãy luôn ghi nhớ rằng mọi sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ đều không nằm ngoài qui luật của quá trình: Thành - Trụ - Dị - Diệt. Đối với chúng sinh đó cũng chính là quá trình chịu sự tác động của 4 yếu tố: Sinh – Lão - Bệnh - Tử, đó là cái lý vô thường của chúng sinh và Đức Phật cũng nói tới cái tính chất vô thường của vạn vật.

Chính giữa Bảo tháp là 1 hình vuông thông suốt trong 12 tầng từ tầng 2 đến đỉnh tháp, là sự kết nối của Thập nhị nhân duyên, gồm có 12 yếu tố: Từ Vô Minh (dẫn đến) – Hành - Thức - Danh Sắc - Lục Căn – Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu – Sanh – Lão - Tử. Đây là mười hai yếu tố liên hệ tương hỗ với nhau theo lý duyên sinh và nhân quả, diễn biến trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, đề cập đến vấn đề nguồn gốc của vòng sinh tử luân hồi, nguyên nhân của sự đau khổ, nhằm mục đích giúp chúng sinh thoát ra khỏi mọi đau khổ của đời sống.

Mặt chân đế của bảo tháp có cấu trúc hình vuông thiết kế gồm có 4 trụ, mỗi trụ cao 3m. Xung quanh bảo tháp được tạc 4 Pho tượng của TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG, có ý nghĩa như ĐẠI TƯỚNG NHÀ TRỜI canh giữ bảo tháp giống như 4 vị đại tướng hùng mạnh với Thiên binh Thiên mã ngăn cản các ác tâm bất thiện.

Tường rào xung quanh được thiết kế 100 cái trụ, trên mỗi trụ được biểu hiện một âm thần chú, đó là bài chú trăm âm của pháp hội KIM CANG hộ trì nơi thánh địa này, với nghĩa rộng lớn hơn là bảo vệ đại địa cho chúng sinh trong cõi ta bà, bảo vệ cho mọi chúng sinh trên trái đất này luôn sống trong hoà bình, an lạc, hạnh phúc. Và đó cũng là 100 chữ Phúc lan toả từ tháp đại bi đến với tâm thức của mọi chúng sinh luôn được nhiều phước lành của mỗi chư Phật ban đến cho bách gia trăm họ.

THÔNG BẠCH

Ngày 8/12 ngày toàn thể Phật giáo trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Chào đón sự kiện này, ngày 31/12/2011 tức ngày 7/12 Tân Mão. Chùa Phúc Lộc sẽ tổ chức lễ an vị tượng Phật Di Lặc tại lầu lục giác (trước Bảo Tháp) và làm lễ đặt nóc Bảo Tháp Đại Bi. Đây là Búp Sen được đúc bằng đồng đỏ nặng trên 2 tấn có chiều cao gần 3m đường kính hơn 2m được đặt trên độ cao 48m và đó cũng là 48 hạnh nguyện của Đức A Di Đà. Trân trọng kính mời quý vị hoan hỷ thân lâm tham dự góp phần cầu nguyện sự kiện long trọng này để Phật sự viên thành.

Bảo Tháp được xây dựng theo giáo lý Phật giáo. Cấu trúc của Bảo Tháp tương ứng với Thân của Phật ngồi Kiết già trên toà Sư tử, tượng trưng cho Phật Quả, cho Trí toàn giác của Chư Phật. Về mặt hữu vi tương đối, Bảo Tháp chứa những Xá lợi, Kinh Điển, lời Đại Nguyện, hình tượng Phật, Bồ tát, Mandala, các Thánh vật Kiết tường..v.v.. là những biểu tướng sai biệt của Đại Trí và Đại Bi. Về mặt chân lý tuyệt đối, Bảo Tháp là nơi thọ nhận Pháp Thân, tức là Tâm của Chư Phật. Một Bảo tháp xây dựng theo đúng Đàn Pháp sẽ nhận được lực gia trì của Chư Phật, Bồ Tát mười phương và có năng lực mang lại an lạc cát tường cho vùng xung quanh, nhất là sự hộ trì tâm linh cho những hành giả tu tập.

Phật có 3 hiện thân: Thân hiện tướng ở tại thế gian gọi là Báo thân; thân hiện tướng ở các cảnh giới các cõi trời gọi là Báu thân; còn thân ở cảnh giới tuyệt đối của Niết bàn là cảnh giới toàn bộ của Chư Phật gọi là Pháp thân, hiện tướng nhiều chân nhiều tay là thông suốt và xuyên suốt mọi cảnh giới trong các cõi lục đạo luân hồi, tiếp dẫn chúng sinh về miền cực lạc.

Với ý nghĩa như vậy, Bảo tháp này được thiết kế gồm 3 phần: Tầng thứ nhất thể hiện cho Báo thân Phật. Từ tầng 2 đến tầng 12 thể hiện cho Báu thân Phật và trên đỉnh tháp là thể hiện cho Pháp thân Phật. Điều đặc biệt của bảo tháp được thể hiện ở chỗ trên đỉnh tháp được thiết kế theo hình chóp. Phần này được thiết kế theo một Manđala, đỉnh tháp được bài trí xá lợi Phật và ở 8 phương được gắn bởi 8 viên đá quí luôn luôn phản chiếu ánh sáng của chư Phật với pháp lực vô biên của bảo tháp hiện ra luôn rọi ánh hào quang của Phật pháp để ban phúc lành đến cho dân chúng, cũng là phần tiếp xúc với không gian vô tận, giúp cho mọi chúng sinh có thể ngắm nhìn bảo tháp từ xa luôn luôn thức tỉnh tâm, hướng về Phật pháp, luôn được an lạc hạnh phúc và khai mở trí tuệ.  

Làng xóm trù phú quang tháp (ảnh Phùng Anh Tuấn)

 

Xây dựng Bảo tháp Đại Bi, là một công trình mang đậm nét tâm linh mầu nhiệm Phật pháp và văn hoá Việt Nam. Việc khởi tâm xây dựng Bảo tháp Đại Bi trên tinh thần rộng lớn vì lợi ích của dân tộc nương nhờ vào ân điển và sự gia trì lực của Chư Phật - Chư Bồ Tát đã được đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân, phật tử, bà con phật tử khắp mọi miền phát tâm, công đức cầu nguyện tiến cúng xây dựng. Đặc biệt phải kể đến sự quan tâm của các bậc Chư tôn, các nhà kiến trúc, các nhà nghệ thuật điêu khắc đã hoan hỉ công đức sức lực và trí tuệ từ khi ý tưởng xây dựng bảo tháp vừa được khởi duyên.

Hy vọng một vùng đất mà mỗi tên làng, tên huyện, tên thôn, tên xã đều gắn với chữ Hưng, chữ Thịnh, chữ Lộc (chùa Phúc Lộc, thôn Hưng lộc, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng) do cha ông ngầm đặt cho sẽ ngày càng được hưng thịnh và trí tuệ ngày càng tỏa chiếu khi nơi địa linh này hoàn thành công trình Bảo Tháp Đại Bi – Một công trình mang đậm nét văn hoá Phật giáo Việt Nam, được thiết kế phù hợp với cảnh quan thiên nhiên trong một quần thể kiến trúc tâm linh độc đáo.