Doanh thu tăng trưởng mạnh, thị trường game online Việt Nam vẫn do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Doanh thu thị trường trò chơi điện tử trực tuyến (game online) tăng trưởng khá mạnh theo từng năm, song Việt Nam dường như chỉ là thị trường phát hành game online cho doanh nghiệp nước ngoài.
85% game online tại Việt Nam do doanh nghiệp nước ngoài phát hành hợp phát

85% game online tại Việt Nam do doanh nghiệp nước ngoài phát hành hợp phát

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), năm 2014, doanh thu thị trường game online tại Việt Nam đạt 233 triệu USD, năm 2015 đạt 216 triệu USD. Trong các năm từ 206-2019, doanh thu từ thị trường game online không ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên đến năm 2020, doanh thu thị trường game lại giảm nhẹ so với trước đó, đạt 522 triệu USD.

Tương tự, số lượng lao động ngành game cũng tăng nhanh. Nếu như năm 2014, ngành này thu hút 5.000 lao động thì đến năm 2020, số lao động trong ngành game online là khoảng 20.000 người.

Đáng chú ý, thống kê của Bộ TT-TT cho thấy, chỉ có 23% doanh nghiệp được cấp Giấy phép G1 (có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) có cung cấp dịch vụ.

Số doanh nghiệp còn lại có giấy phép nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ hoặc trong số này có một số doanh nghiệp chỉ lợi dụng có giấy phép G1 để xuất trình cho doanh nghiệp viễn thông và đơn vị thanh toán để phát hành game không phép (vụ Rikvip của Công ty CNC là trường hợp điển hình).

Bên cạnh đó, gần 85% trò chơi phát hành hợp phát tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 70%. “Ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng ở nước ta hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành trò chơi cho nước ngoài và được hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận”- Bộ TT-TT cho hay.

Những năm gần đây, game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam (doanh thu từ game lậu chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường game Việt Nam).

Kéo theo đó, thị trường game onlline xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play.

Hiện nay, các kho ứng dụng đang được đánh giá là hình thức tiếp thị và phân phối các ứng dụng trên mạng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trách nhiệm của kho ứng dụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc trên các kho ứng dụng này đang phân phối nhiều ứng dụng vi phạm pháp luật, trong đó phức tạp nhất là các game xuyên biên giới không phép, cờ bạc, bạo lực, dung tục, có nội dung nhạy cảm về chính trị, về chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử…

Để hạn chế những tồn tại nêu trên, Bộ TT-TT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Theo đó, Bộ TT-TT đề xuất bổ sung quy định về việc thu hồi Giấy phép phát hành một số loại hình game online trong trường hợp 12 tháng sau khi được cấp phép, doanh nghiệp không triển khai cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới như: mạng xã hội, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, kho ứng dụng… phải tuân thủ các quy định chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.