Doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi vào quý I năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng đi nơi khác.
Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách "sống chung" với đại dịch

Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách "sống chung" với đại dịch

Chiều nay (11-10), Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch”.

Nhận định về khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau nới lỏng giãn cách, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù nhiều địa phương đã “mở cửa” trở lại song khó khăn với doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều.

“Khảo sát cho thấy, có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của doanh nghiệp đã không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng chuyển đi nơi khác. Đó là đơn hàng, hợp đồng chuẩn bị phục vụ cho dịp Noel và đầu năm mới 2022 do chúng ta phục hồi chậm hơn, mở cửa chậm hơn so với các nước khác. Nói cách khác, chúng ta đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó có cả các đối tác chiến lược và các nước cạnh tranh thị trường. Theo nhận định của tôi, các doanh nghiệp Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo vị này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 4 khó khăn lớn. Thứ nhất là giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường; Thứ hai là siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được.

Thứ ba là chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Nếu doanh nghiệp có hợp đồng không thể vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu được. Thứ tư là cố gắng duy trì sản xuất dẫn đến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ''. Điều này dẫn đến hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.

Cùng lúc, doanh nghiệp phải chịu 3 áp lực lớn là: Áp lực về phòng chống dịch, áp lực về kinh tế và hệ lụy về tâm lý xã hội.

“Trong đó, hệ lụy tâm lý xã hội là nặng nề nhất. Tôi nghĩ sau cuộc khủng khoảng này, rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải rời bỏ thị trường bởi họ rất lo lắng, bất an, không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Nhận định về khả năng phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể kỳ vọng vào các đơn hàng, hợp đồng Xuân Hè 2022. “Bởi, chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại vào quý I-2022, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp”- ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Lê Doãn Hợp- Thường trực Ban Tổ chức Cuộc vận động Xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp, sau Covid-19 sẽ có rất nhiều ngành liên quan đến sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, CNTT là những ngành thuận lợi. Có những ngành khó khăn như dân dụng, du lịch, bất động sản và nông nghiệp.

Là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, ông Nguyễn Đình Hùng- Chủ tịch Tập đoàn edX cho hay, để công việc không gián đoạn, bên cạnh việc tổ chức làm việc trực tuyến, edX triển khai thêm dự án xây dựng hệ sinh thái Blockchain Diamond Network dựa trên nền tảng Substrate- Polkadot và đã nhận được lời đề nghị đầu tư trên 10 triệu USD. Ngoài ra, edX cũng đã mở thêm khoá đào tạo ngắn hạn về Blockchain, bước đầu rất khả quan.

Ngoài ra, edX đã triển khai thêm nhiều dự án tư vấn tái cấu trúc và niêm yết trên sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp, tư vấn mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp. Nhờ đó, đơn vị này từng bước tìm cách “sống chung” với dịch Covid-19.