Doanh nghiệp Việt cần hướng tới thị trường ASEAN

ANTĐ -Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức một nhóm nghiên cứu, kiểm tra ở 5 tỉnh, thành phố trong cả nước với kết quả đáng lo ngại là các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cần thiết cho việc hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, ASEAN nói riêng.
Doanh nghiệp Việt cần hướng tới thị trường ASEAN ảnh 1

PSG.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: 

Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm 2015, với sự chuẩn bị như hiện nay các doanh nghiệp Việt dễ gặp nhiều rủi ro. Nếu doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề này, họ sẽ không hiểu biết về các cam kết, dễ mắc các rủi ro về pháp lý, vướng vào các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá... Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào bẫy “tự do hóa thương mại”.

Cụ thể là doanh nghiệp Việt thường tìm kiếm thị trường để tận dụng lợi thế “tĩnh” của mình là lao động rẻ; thâm dụng vốn, tài nguyên... nếu cứ tiếp tục cách làm đấy, doanh nghiệp Việt khó nâng được sức cạnh tranh bởi thị trường ASEAN là thị trường lớn có nhiều loại hàng hóa tương đồng với Việt Nam. Chúng ta phải cạnh tranh bằng cách khác hiệu quả hơn là dựa trên sự khác biệt...

Doanh nghiệp Việt cần hướng tới thị trường ASEAN ảnh 2

Sinh viên trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một chuyến thực tế tại General Motor Việt Nam

- Theo ông, hiện nay chúng ta phải làm gì để cải thiện tình hình này?

- Việc đầu tiên là phải đổi mới tư duy về hội nhập cộng đồng ASEAN bởi hiện nay nhiều ý kiến cho rằng đây là thị trường không quan trọng. Thực ra chính những điểm tương đồng về chủng loại hàng hóa cần sức cạnh tranh cao ở thị trường này là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi cách làm cũ. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, kỹ năng quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có sự cạnh tranh cao hơn. Để chủ động hội nhập, các doanh nghiệp cần đặt hàng các trường đại học, các viện nghiên cứu, cơ quan, hiệp hội để có thông tin cụ thể, để có đánh giá chính xác về cơ hội, thách thức với chính doanh nghiệp mình.

- Ông đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay?

- Theo tôi, để hội nhập sâu rộng, vấn đề nguồn nhân lực còn nhiều việc phải giải quyết. Các doanh nghiệp và trường đại học phải kết hợp với nhau để nhận biết nhu cầu của nền kinh tế, để doanh nghiệp tận dụng được các kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu chuyên sâu cũng như các trường đại học đào tạo đúng với nhu cầu thực tế.

Tại trường Đại học Kinh tế, các hoạt động phải gắn kết được đào tạo với thực tiễn, đào tạo với nghiên cứu, đào tạo với hội nhập.  Chúng tôi thường mời lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia hội đồng đào tạo; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho các doanh nghiệp... Do đó, chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực… ví dụ như General Motor Việt Nam hàng năm luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên trường Đại học Kinh tế để cọ xát thực tế, nâng cao trình độ… đó là những cơ hội cần có nhiều hơn, thường xuyên hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.