"Làng ung thư" Lục Đầu Giang (3):

Doanh nghiệp vi phạm, cấp phường lạm quyền, dân khốn đốn

ANTĐ - Trước hàng loạt thông tin PV có được cho thấy, người dân khu dân cư Ngọc Sơn bức xúc dẫn tới việc họ đổ đất, đá, dựng lều bạt, đặt bát hương trước cổng công ty TNHH Thiên Lộc xuất phát từ việc coi thường sức khỏe nhân dân của doanh nghiệp và việc làm không đúng thẩm quyền, chức năng của chính quyền phường Phả Lại.
Tại cuộc làm việc với phía công ty TNHH Thiên Lộc chiều 21-10, ông Phạm Đức Bình - Trưởng phòng hành chính (nguyên là cán bộ nhiều năm của CTCP đầu tư và xây dựng số 18) thừa nhận: CTCP đầu tư và xây dựng số 18 sản xuất tấm lợp AC gây ô nhiễm môi trường do nhà xưởng và công nghệ khi đó lạc hậu; không có khu xử lý nước thải… do vậy mà phía đơn vị bị nhân dân khu dân cư Ngọc Sơn, phường Phả Lại gửi đơn thư kiến nghị... Đến năm 2011 đơn vị cũ không sản xuất nữa, bán lại toàn bộ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất cho công ty TNHH Thiên Lộc… Sau đó, công ty TNHH Thiên Lộc có văn bản đề nghị UBND phường Phả Lại cho phép chạy thử dây chuyền sản xuất từ ngày 14-10 đến 25-10. UBND phường Phả Lại đã đồng ý cho công ty Thiên Lộc chạy thử trong 5 ngày từ 14-10 đến 19-10. Chiều 14-10, khi công ty TNHH Thiên Lộc sản xuất thử, thì hàng trăm người dân đã đến yêu cầu dừng hoạt động, sau đó đổ đất đá, dựng lều bạt trước cổng công ty.

Doanh nghiệp vi phạm, cấp phường lạm quyền, dân khốn đốn ảnh 1
Dây chuyền sản xuất tấm lợp phi-brô-xi-măng mới được công ty TNHH Thiên Lộc
 nâng cấp từ dây chuyền cũ của CTCP đầu tư và xây dựng số 18



Cũng theo ông Bình, Dự án được cơ quan chức năng cho phép sản xuất (!?). UBND tỉnh cũng đã chấp thuận cho công ty Thiên Lộc sử dụng lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũ của Xí nghiệp liên doanh sản xuất tấm lợp A-C Phả Lại Đông Anh III được lập vào năm 1997.

Ngày 23-10, PV có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Đình Kiêm - Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Hải Dương, ông Kiêm khẳng định, chiều 14-10 phía công ty TNHH Thiên Lộc có mời đại diện lãnh đạo sở về dự khánh thành nhà máy. Lãnh đạo Sở cử cán bộ cấp dưới về dự. Khi sự việc xảy ra cán bộ có mặt tại hiện trường đã báo cáo lại sự việc và phía Sở đã đề nghị thị xã Chí Linh yêu cầu phía công ty dừng ngay hoạt động sản xuất. Việc tiến hành chạy thử, doanh nghiệp phải xin cấp phép của UBND tỉnh. UBND tỉnh đồng ý cho phép mới được tiến hành.

Khi được hỏi về việc công ty TNHH Thiên Lộc tiến hành sản xuất từ ngày 16 đến 21-9 phía Sở có biết không? Ông Kiêm trả lời: Sở không hề biết. Nếu có việc đó thì phía công ty TNHH Thiên Lộc đã sai phạm.

Doanh nghiệp vi phạm, cấp phường lạm quyền, dân khốn đốn ảnh 2
Ông Phạm Đức Bình- Trưởng phòng hành chính (công ty TNHH Thiên Lộc) giải thích cho PV về dây chuyền sản xuất tấm lợp phi-brô-xi-măng của nhà máy


Liên quan đến việc UBND phường Phả Lại cấp phép cho công ty Thiên Lộc chạy thử dây chuyền sản xuất, quy trình trả lời đơn thư phản ánh của nhân dân về vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân và sử dụng lại ĐTM của đơn vị trước, ông Vũ Đình Hiền - Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương cho biết: UBND phường Phả Lại không có chức năng cấp phép cho đơn vị Thiên Lộc sản xuất tấm lợp AC chạy thử. Việc họ cấp phép cho công ty Thiên Lộc là việc làm sai phạm, không đúng thẩm quyền, không đúng chức năng. Theo quy định của pháp luật, bất kỳ một đơn vị sản xuất kinh doanh nào liên quan đến vấn đề môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân, sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được chạy thử. Quá trình chạy thử phải được sự giám sát của cơ quan có chức năng, để đánh giá các thông số về bụi, khí thải và nước thải; giám sát của nhân dân và chính quyền sở tại. Nếu các thông số về môi trường vượt quá mức cho phép sẽ yêu cầu đơn vị dừng sản xuất.

Vấn đề giải quyết đơn thứ kiến nghị của nhân dân liên quan đến vấn đề môi trường, sức khỏe… ông Hiền cho rằng, phía UBND phường Phải Lại nhận được đơn của nhân dân, phải xác định nội dung trong đơn. Việc nào thuộc thẩm quyền của phường thì phường giải quyết, trả lời nhân dân; việc nào không thuộc thẩm quyền phải làm công văn báo cáo gửi lên cơ quan có chức năng và có thẩm quyền giải quyết.

Đơn cử về vấn đề ô nhiễm, ít nhất phải là cơ quan cấp tỉnh như: CSĐT tội phạm về môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương; còn về sức khỏe của nhân dân phải là cơ quan y tế… Trong khi đó, phía UBND phường Phả Lại đã không thực hiện đúng quy trình giải quyết… đơn thư, vụ việc. Thêm vào đó, phía chính quyền phường đứng ra giải quyết “hộ” đơn kiến nghị của nhân dân gửi tới công ty TNHH Thiên Lộc.

Riêng về việc công ty TNHH Thiên Lộc sử dụng lại ĐTM của Xí nghiệp liên doanh tấm lợp Phả Lại- Đông Anh 3 (sau này đổi thành CTCP đầu tư và xây dựng số 18), ông Hiền cho biết, theo Nghị định 29 quy định: Nếu công nghệ không thay đổi, công suất không thay đổi thì cơ quan chức năng cho phép đơn vị mới tiếp quản đơn vị cũ được sử dụng đánh giá ĐTM của đơn vị cũ đó. Nhưng với điều kiện đơn vị mới phải nâng cấp nhà máy, sửa chữa máy móc, trang thiết bị… bảo đảm với quy chuẩn hiện hành, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân chung quanh khu vực nhà máy sản xuất…

Doanh nghiệp vi phạm, cấp phường lạm quyền, dân khốn đốn ảnh 3
Sản phẩm tấm lợp phi-brô-xi-măng xếp đầy trong sân nhà máy, sau lần chạy thử “không phép” từ ngày 16 đến ngày 21-9


Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng ĐTM, đáp ứng yêu cầu của thực tế quản lý môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường 1993 đã có nhiều sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Tại Điều 20, Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định bắt buộc trong hoạt động ĐTM phải tham vấn cộng đồng. Và tại Điều 14, 15 của Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định: Trong quá trình lập báo cáo ĐTM, chủ dự án phải tổ chức tham vấn ý kiến: UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án; Đại diện cộng đông dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án. Quá trình tham vấn được thực hiện bằng cách "chủ dự án gửi văn bản đến UBND cấp xã, đại diện cộng đông dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án kèm theo tài liệu tóm tắt về các hạng mục đầu tư chính, các vấn đề môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án xin ý kiến tham vấn".

Hiện nay, hầu hết các dự án ở nước ta thực hiện ĐTM sau khi địa điểm triển khai đã được lựa. Các báo cáo ĐTM chỉ tập trung vào phân tích đặc điểm địa hình, hiện trạng chất lượng môi trường của khu vực dự án và bỏ qua việc đánh giá các tác động cộng hưởng, tác động tích lũy cũng như nguy cơ xảy ra xung đột… Chính vì không chú ý đến đặc thù của địa điểm triển khai dự án nên nhiều ĐTM của các dự án cùng loại hình sản xuất, kinh doanh rất giống nhau, thậm chí có những đoạn "cắt - dán" nguyên bản, không chỉnh sửa, dẫn đến những phản ứng bức xúc từ người dân.