Doanh nghiệp vận tải chuyển hướng kinh doanh trong mùa dịch

ANTD.VN - Ngành vận tải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19, riêng hàng không đang đứng trước nguy cơ phá sản vì thua lỗ nặng. Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng từ chuyên chở hành khách sang chở hàng hóa, góp phần đảm bảo doanh thu.

Một chuyến bay chở hàng hóa thuần túy từ Tân Sơn Nhất (Việt Nam) đến Thượng Hải (Trung Quốc) của Vietnam Airlines

Hệ lụy nhãn tiền

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2020 đã phục vụ 11,57 triệu lượt phương tiện trên tổng chiều dài gần 500km đường cao tốc (chưa tính 137.300 lượt phương tiện miễn phí), giảm  2,4% về lượng và 3% về doanh thu so cùng kỳ năm ngoái. Những tuyến chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 gồm: cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tháng 3-2020 là thời điểm mà lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí của Tổng Công ty giảm mạnh so cùng kỳ năm trước, tương đương 15,8% và 16,2%, khiến hụt thu 58 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi một loạt các hoạt động giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ cũng như nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, với ngành hàng không, con số thiệt hại đến nay chưa thể đong đếm hết. Giữa tháng 3 vừa qua, Cục Hàng không đã dự báo có thể thiệt hại tới 30.000 tỷ đồng. Song, con số này đến nay được cho là không chính xác và còn gia tăng gấp nhiều lần bởi dịch Covid-19 đến giờ chưa lường được kịch bản. Hàng trăm tàu bay của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Jetstar Pacific đang nằm “đắp chiếu” tại các sân bay. Hiện nay, tất cả các đường bay quốc tế đã tạm dừng, đường bay nội địa cũng dừng đến 15-4, chỉ  còn duy trì 3  đường bay từ Hà Nội, TP.HCM đến Đà Nẵng và Hà Nội đến TP.HCM. 

Đáng nói, dù tàu bay đang nghỉ bay hàng loạt nhưng gánh nặng chi phí mà mỗi hãng vẫn phải chi trả lên tới cả nghìn tỷ đồng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ… Cụ thể Vietnam Airlines hiện có 108 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Boeing 787, 14 chiếc Airbus 350. Tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc “siêu tàu bay” này vào khoảng 1 triệu USD/chiếc/tháng, cả đội tàu bay thân rộng sẽ lên tới gần 30 triệu USD/tháng. Với Vietjet đang có 75 chiếc Airbus 320, Airbus 321, ước tính khoản tiền phải trả có thể lên tới 20 triệu USD/tháng. Bamboo Airways hiện có 3 chiếc Boeing787-9 và 20 chiếc máy bay thân hẹp, số tiền phải chi trả mỗi tháng cũng không hề nhỏ.

Vietnam Airlines cho biết, những chuyến bay chở hàng là nỗ lực của hãng  nhằm góp phần đảm bảo thông thương, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất/nhập khẩu hàng hóa. 

Cùng với hàng không, đường sắt cũng thúc đẩy vận chuyển hàng hóa thay vì vận chuyển hành khách. Từ ngày 30-3, ngành đường sắt dừng toàn bộ tàu khách địa phương, chỉ duy trì chạy 2 đôi tàu khách Thống Nhất. 

Ngoài chi phí thuê tàu (hoặc trả lãi vay), các hãng còn phải trả cả tỷ đồng cho tiền đậu đỗ. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng/ngày, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng/ngày. Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi trên 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng;        Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng. 

Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất một số giải pháp, như áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến với các chuyến bay nội địa, giảm giá 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5). Theo đại diện các hãng hàng không, mức giảm này dù khá tích cực nhưng chưa thấm vào đâu so với thiệt hại hiện tại của các hãng, đặc biệt thời gian hỗ trợ quá ngắn. Ngay cả khi dịch kết thúc, các hãng vẫn cần thêm tối thiểu 3-6 tháng để phục hồi.

Theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không đang chịu 16 loại chi phí dịch vụ tại cảng. Vietnam Airlines (gồm cả Jetstar Pacific và Vasco), Vietjet Air, Bamboo Airways năm 2019 đã nộp khoảng 12.700 tỷ đồng các loại phí trực tiếp và gián tiếp. Nếu giảm về 0 đồng với 11/16 loại phí do Nhà nước quy định khung giá như đề xuất của Bộ GTVT, các hãng chỉ giảm được khoảng vài trăm tỷ đồng, so với hàng chục nghìn tỷ đồng thiệt hại chưa được cho là đáng kể.

Với phí cất hạ cánh và điều hành bay chiếm từ 10-20% tổng chi phí mỗi chuyến bay, do đó các hãng hàng không đề xuất giảm 50% với cả 2 loại phí trên trong cả năm 2020. Ngoài ra, để kích cầu đi lại của người dân khi thị trường phục hồi, việc miễn phí phục vụ hành khách với chuyến bay nội địa (hiện thu từ 70.000-110.000 đồng/người) và giảm 50% với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng rất cần thiết. Các hãng cũng kiến nghị được giảm 50% thuế nhập khẩu nhiên liệu và bảo vệ môi trường trong 3 tháng. Riêng năm 2019, tiền thuế này do các hãng bay nộp ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trao đổi về khó khăn với ngành hàng không, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, thời gian này tất cả các hãng đều rất khó khăn, nếu tiếp tục kéo dài thiệt hại rất lớn. Theo ông Thắng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến ngành hàng không không thể đưa ra các dự báo về sản lượng khai thác hay đánh giá được tăng trưởng trong năm 2020. “Vấn đề lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền đã mất hết. Thậm chí, Cục Hàng không còn lo lắng có thể có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản. Lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ”- Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói.

Chuyển hướng vận tải

Trong một bức thư mới nhất gửi tới người lao động, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên 10.000 lao động phải ngừng việc (50%) và 100% số lao động tại đơn vị này phải giảm lương. Vietnam Airlines cũng như các hãng khác đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn. Do đó, Vietnam Airlines đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ như: Tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết… Với lịch bay và tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến năm 2020, Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch. 

Hiện tại, mỗi ngày Vietnam Airlines chỉ thực hiện 6 chuyến bay Hà Nội - TP.HCM và Đà Nẵng. Do đó, phi công, tiếp viên của hãng phải ngừng việc lên tới 90%. Hiện Vietnam Airlines có khoảng hơn 20.000 cán bộ nhân viên, trong đó phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay là 2.500 người, tiếp viên là 3.000 người. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số người lao động của hãng phải ngừng việc lên tới hơn 10.000 người. Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp như hàng không, đường sắt đã chuyển hướng sang vận tải hàng hóa để duy trì doanh thu.

Từ tháng 3-2020, Vietnam Airlines đã tăng cường khai thác các chuyến bay chuyên chở hàng hóa trong nước và quốc tế. Cụ thể, từ ngày 12 đến 31-3, Vietnam Airlines triển khai 45 chuyến bay chuyên chở hàng hóa từ Hà Nội, TP.HCM đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Bangkok. Các chuyến bay chở hàng được khai thác bằng máy bay Boeing 787-9, Airbus 350 với sản lượng đạt 20-25 tấn/chiều, tương đương hệ số sử dụng tải đạt 95 - 100%. Đây là những chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của Vietnam Airlines, không có hành khách, không có tiếp viên. 

Vietnam Airlines cho biết, những chuyến bay chở hàng là nỗ lực của hãng  nhằm góp phần đảm bảo thông thương, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất/nhập khẩu hàng hóa. Trong tháng 4-2020, Vietnam Airlines tiếp tục tập trung vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế. Hãng dự kiến khai thác khoảng 150 chuyến bay chuyên chở hàng hóa giữa Hà Nội - TP.HCM và từ Nha Trang, Cần Thơ đi Hà Nội.

Trên đường bay quốc tế, Vietnam Airlines khai thác hơn 130 chuyến bay chuyên chở hàng hóa đi Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông), đi Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore), đi châu  Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga) và Úc. Đồng thời, hãng đang tiếp tục nghiên cứu để đẩy mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng hóa từ nay đến cuối năm nhằm góp phần củng cố nền kinh tế của đất nước, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Cùng với hàng không, đường sắt cũng thúc đẩy vận chuyển hàng hóa thay vì vận chuyển hành khách. Từ ngày 30-3, ngành đường sắt dừng toàn bộ tàu khách địa phương, chỉ duy trì chạy 2 đôi tàu khách Thống Nhất. Tuy vậy, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy thêm tàu hàng nhanh tuyến Hà Nội - TP.HCM với thời gian hành trình gần như tàu khách. Bắt đầu từ 1-4, đường sắt Việt Nam sẽ xem xét giảm cước vận tải hàng hóa trong điều kiện giá nhiên liệu giảm và tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, đường sắt cũng phục vụ vận chuyển hàng hóa theo tiêu chí, từ nhà đến ga, từ ga đến nhà.