Doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận gói hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Doanh nghiệp cho rằng đang khó tiếp cận các gói hỗ trợ để phục hồi sản xuất, kinh doanh do thủ tục còn rườm rà, phức tạp.

Theo phản ánh của cử tri TP.HCM, sau đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn đang nỗ lực khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm các thị trường, đối tác mới. Tuy nhiên, qua khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố, có tới 42% doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi đó doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng của Chính phủ do thủ tục còn rườm rà, phức tạp.

Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ, để các doanh nghiệp được sớm tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trả lời kiến nghị cử tri, NHNN cho hay, thời gian qua, bám sát chủ trương của Quốc hội và Chính phủ tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, NHNN đã khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong toàn ngành nhằm duy trì môi trường kinh doanh ổn định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, NHNN cho biết, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đồng thời NHNN ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn và có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, triển khai ngay trong nội bộ.

Trên cơ sở đăng ký của các ngân hàng thương mại, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022, bố trí dự toán NSNN năm 2023.

Đồng thời, NHNN cũng có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng ngân hàng thương mại để nhanh chóng triển khai chương trình.

Ngân hàng Nhà nước cho biết các khoản vay hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện tín dụng thông thường

Ngân hàng Nhà nước cho biết các khoản vay hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện tín dụng thông thường

Tuy nhiên, NHNN cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 là chính sách sử dụng NSNN có quy mô lớn triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại, tất cả các khoản cho vay phải đáp ứng điều kiện tín dụng thông thường, đối tượng thụ hưởng là những khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đúng tinh thần của Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Nguồn tiền cho vay là tiền huy động từ người dân, từ nền kinh tế, do đó, các ngân hàng vẫn phải xác định đúng đối tượng, thẩm định, quyết định cho vay theo đúng quy định.

Về nhóm chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, NHNN cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện Chương trình năm 2022, trong đó để cho vay theo Nghị quyết 11 là 19.000 tỷ đồng.

Căn cứ nhu cầu vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao kế hoạch cho các chương trình cho vay có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp, gồm: Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm 7.000 tỷ đồng (đã giải ngân 6.938 tỷ đồng); Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 313 tỷ đồng (đã giải ngân 159 tỷ đồng).

Việc triển khai cho vay đối với các doanh nghiệp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã đang được thực hiện nhanh chóng.

Tuy nhiên, riêng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội chưa triển khai cho vay được do chưa có đầy đủ hướng dẫn từ các bộ, ngành và một số tỉnh chưa phê duyệt Đề án cho vay đối với Chương trình.

Như vậy, NHNN khuyến nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể tìm hiểu, làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để được hỗ trợ xem xét giảm lãi vay và hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và chính sách riêng của từng TCTD.