Doanh nghiệp tha thiết muốn dỡ trần chi phí quảng cáo

ANTĐ - Trói tay doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu, làm giảm sức cạnh tranh... là những hạn chế được các doanh nghiệp nhấn mạnh khi bàn về quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại.

Quảng cáo xuất hiện khắp mọi nơi, từ truyền hình, pa nô đến thành xe buýt

Tước công cụ tạo thương hiệu mạnh

Đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, quy định khống chế mức chi phí quảng cáo, khuyến mại trong các chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là một quy định có từ 15 năm nay. Quy định này đã nhiều lần được đề nghị dỡ bỏ do sự bất hợp lý, trói tay doanh nghiệp, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong suốt hơn 10 năm qua, nhiều nghiên cứu, phân tích, kiến nghị của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cũng như của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều chỉ ra sự cần thiết phải dỡ bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại. Qua đó, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm mới tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế. “Có thể nói, Bộ Tài chính không chỉ nhìn thấy những hạn chế của quy định mà đã thực sự thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp khi thực hiện các quy định đó”, bà Loan nhấn mạnh. 

Ông Phạm Thành Minh - Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội chia sẻ: “Quảng cáo là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Với mong muốn của Chính phủ là có những doanh nghiệp tạo được thương hiệu mạnh, vươn ra tầm khu vực và thế giới thì việc dỡ bỏ trần chi phí là hết sức cần thiết. Sản phẩm của doanh nghiệp phải được quảng bá trên diện rộng mới giúp tạo ra thương hiệu lớn. Nếu khống chế trần chính là tước đi công cụ để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Như vậy để có một thương hiệu mạnh còn khó chứ chưa nói đến số nhiều”. 

Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cũng khẳng định: “Vấn đề nổi cộm nhất trên thị trường nội địa và xuất khẩu hiện nay là phải xây dựng được một số thương hiệu lớn, có sức cạnh tranh. Như thế, nhất thiết phải có quảng cáo, đầu tư và phát triển công nghệ”.

Giữ trần gây tác dụng ngược

Bằng dẫn chứng cụ thể, những ý kiến thẳng thắn từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp... đã chỉ ra thực tế, việc giữ trần quảng cáo, khuyến mại không giúp tăng thu ngân sách, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng mà lại mang đến tác dụng ngược.

Bà Nguyễn Thanh Hà – Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh: “Doanh nghiệp bỏ tiền quảng cáo là để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Có quảng cáo người tiêu dùng mới nhận biết được sản phẩm và từ nhận biết mới đi tới quyết định hành vi mua sản phẩm. Như vậy, mới có thể phát triển được sản xuất”. 

Trước lo ngại nguồn thu ngân sách sẽ giảm nếu bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại, ông Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam dẫn chứng: “Nếu doanh nghiệp có lợi nhuận 1 tỷ đồng trước thuế, Nhà nước sẽ thu được 250 triệu đồng tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp. Nếu 1 tỷ đồng đó được chuyển thành chi phí quảng cáo, khuyến mại thì Nhà nước vẫn thu được thuế, trong khi lại tạo thêm được công ăn việc làm”. “Lo mất nguồn thu thực chất chỉ là cảm giác. Chưa biết thực sự sẽ mất bao nhiêu, chưa kể việc doanh nghiệp không bán được hàng thì lấy đâu ra lợi nhuận để thu thuế? Lo lắng như vậy chẳng khác nào tính cua trong lỗ”, ông Tiến phân tích. 

Về vấn đề bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các chuyên gia chỉ rõ: “Mối lo doanh nghiệp nội bị chèn ép nếu không có mức trần chi phí quảng cáo là thiếu cơ sở, bởi vấn đề này sẽ được giải quyết bằng luật cạnh tranh”.

Về khả năng doanh nghiệp chi nhiều cho quảng cáo, khuyến mại sẽ đẩy giá sản phẩm lên cao khiến người tiêu dùng chịu thiệt, bà Đinh Thị Mỹ Loan chia sẻ: “Doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Nếu họ chi phí một cách quá đáng cho quảng cáo thì bản thân doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, bởi với giá sản phẩm cao, không cạnh tranh được thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với họ. Còn các hành vi quảng cáo gian dối... sẽ bị xử lý bởi các quy định khác”. 

Ông Lê Bá Cơ – đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát cho rằng: “Việc giữ trần là can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có sản phẩm mới, cần quảng bá, tiếp thị thì chi phí trong năm đó có thể sẽ cao hơn so với năm không đưa ra sản phẩm mới. Chi phí quảng cáo sẽ do hoạt động kinh doanh quyết định và doanh nghiệp phải được hoàn toàn chủ động”.