Doanh nghiệp tạo nhiều việc làm đề nghị được hỗ trợ

ANTĐ - Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% từ đầu năm 2014. Không nằm trong diện này nhưng doanh nghiệp tạo nhiều việc làm đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn, họ đang kêu gọi sự hỗ trợ mạnh hơn từ chính phủ.
Theo lộ trình giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm từ mức hiện tại 25% xuống mức 22% vào đầu năm 2014. Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được ưu đãi hơn với mức thuế chỉ 20%.
Một tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là mức doanh thu dưới 20 tỉ một năm. Tính theo mức này, Việt Nam có khoảng hơn 84% doanh nghiệp thuộc diện vừa và nhỏ. Tuy vậy, một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tạo ra nhiều công ăn việc làm dù có mức doanh thu cao nhưng tỉ suất lợi nhuận ngày càng thấp hơn, thậm chí nhiều cơ sở có nguy cơ đóng cửa do khủng hoảng, lại không được tính là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Doanh nghiệp tạo nhiều việc làm đề nghị được hỗ trợ ảnh 1
Các doanh nghiệp tạo nhiều việc làm đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn,
họ đang kêu gọi sự hỗ trợ mạnh hơn từ chính phủ, đặc biệt là giảm thuế thu nhập



“Trong bối cảnh các chi phí đầu vào như điện, nước, thuê nhà xưởng đều tăng đồng thời doanh thu có xu hướng giảm trong khủng hoảng, giữ vững toàn bộ và cải thiện thu nhập cho công nhân cho phù hợp với mức tăng giá chung là một thách thức rất lớn của tất cả các doanh nghiệp sản xuất và chế biến”, ông Quản Ngọc Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện Trần Phú chia sẻ. 

Công ty cơ điện Trần Phú là một trong số ít những đơn vị đã trụ vững trong thời gian qua, với mức thu nhập trung bình của công nhân khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất dây và cáp điện, mặt hàng chủ lực mang thương hiệu công ty vẫn đang chiếm thị phần lớn tại khu vực phía Bắc. 

“Chúng tôi phải tập trung và tiết kiệm triệt để. Chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm chủ lực dây điện và ngăn chặn mọi lãng phí trong quá trình sản xuất là giải pháp của doanh nghiệp. Nhưng trong bối cảnh thị trường đang đi xuống, chúng tôi cũng đề nghị nhà nước tiếp tục giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế giá trị gia tăng, đặc biệt cho các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động”, ông Cường đề xuất. 

Tương tự, đại diện Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam cũng đã lên tiếng đề nghị hỗ trợ, bởi nếu căn cứ tiêu chí doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hầu như không có doanh nghiệp thuỷ sản nào sẽ được hưởng ưu đãi. Giống như trường hợp công ty Trần Phú, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản hiện nay trung bình cũng có trên dưới 300 lao động với mức doanh thu trung bình 100 tỉ đồng mỗi năm. Tuy các đơn vị này đang rất vất vả chống chọi với khủng hoảng, mức giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể áp dụng với họ. Nếu các doanh nghiệp này ngừng hoạt động, số lượng công nhân viên mất việc làm sẽ tăng vọt.

Chính phủ trong thời gian qua cũng đã quan tâm tới những ưu đãi cho khối doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Cụ thể là hiện tại, Bộ Tài chính đang gia hạn 6 tháng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp trong quý 1-2013 và 3 tháng với số thuế phát sinh trong quý 2-2013. Hai đối tượng được nhận ưu đãi này là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (trên 300) trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến. Hai đối tượng doanh nghiệp này cũng đang được gia hạn 6 tháng thuế giá trị gia tăng phải nộp trong quý 1-2013. 

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20% cho cả các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là một giải pháp cần được tính tới, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang co hẹp về quy mô và sa thải nhân công để tồn tại. Những biện pháp kịp thời và đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp vẫn giữ được một số lượng công nhân viên lớn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống xã hội.