Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ

ANTĐ - Không ít ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam thường có quy mô lớn hơn doanh nghiệp trong nước, dày vốn, nên họ trụ vững trước khó khăn, xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Nhưng trên thực tế, bức tranh doanh nghiệp FDI không hoàn toàn như vậy.
Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ  ảnh 1
“Kinh nghiệm thương trường” của doanh nghiệp FDI đáng được học tập

63% doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ

Kết quả điều tra mới đây về doanh nghiệp FDI do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cho thấy, quy mô doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam khá nhỏ theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, tính theo quy mô vốn, 63% doanh nghiệp FDI có giấy phép đầu tư với mức vốn dưới 2,5 triệu USD (dưới 50 tỷ đồng) và chỉ 13% doanh nghiệp có số vốn được cấp phép đầu tư trên 25 triệu USD (tương đương với trên 500 tỷ đồng). Các doanh nghiệp này phần lớn đến từ khu vực Đông Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục, chiếm khoảng 66% tổng số doanh nghiệp tham gia điều tra. 

Thừa nhận chi phí lao động rẻ hơn các quốc gia khác trong khu vực là lợi thế của Việt Nam khi quyết định lựa chọn đầu tư, song trên thực tế, các doanh nghiệp FDI thuộc diện điều tra lại sử dụng không nhiều lao động. 75% doanh nghiệp được khảo sát có dưới 300 lao động và 37% trong số này chỉ sử dụng dưới 50 lao động. Doanh nghiệp lớn chỉ là thiểu số, chiếm 5,3%. Đại diện VCCI cho biết, theo khảo sát, hầu hết doanh nghiệp này có quy mô tương đối nhỏ, chú trọng xuất khẩu và thường hoạt động trong các lĩnh vực phụ trợ theo hình thức thầu phụ cho một tập đoàn đa quốc gia hoặc nhà sản xuất đa quốc gia lớn hơn. 

Vậy những yếu tố nào đã khiến họ quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư?

Tận dụng ưu đãi

Bên cạnh lợi thế về chi phí lao động, doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới Việt Nam vì sự ổn định chính trị, chất lượng lao động, ưu đãi về thuế và đất đai. Ngoài ra, sự sẵn có của các khu công nghiệp, nguồn nguyên liệu, dịch vụ trung gian cũng là những yếu tố tác động tích cực đến quyết định đầu tư. Điều này phần nào được lý giải khi có 32% doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động tại Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các quốc gia khác như: Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc. Trong đó có 72% đã lựa chọn Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia trên. 

Trong khi các doanh nghiệp trong nước nhận định lợi thế của mình tại thị trường nội địa là am hiểu văn hóa, phong tục; sức mua của người tiêu dùng, quy mô thị trường nội địa… lớn thì các doanh nghiệp nước ngoài lại “khôn ngoan” khai thác những tiềm năng sẵn có của Việt Nam. Trước đây, không ít chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam để khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng nhân lực giá rẻ của nước ta. Những kỳ vọng sự chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam của các cấp chính quyền gần như chưa có kết quả.

Biết cách khai thác thị trường

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua điều tra khối doanh nghiệp FDI (PCI - FDI) của VCCI, doanh nghiệp FDI ở vị trí trung vị (xếp hạng trung bình) trong điều tra PCI - FDI có tổng doanh thu 1,3 triệu USD năm 2011, tăng 300.000 USD so với năm ngoái. Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 8,6 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là điểm đáng chú ý bởi thị trường tiêu thụ hàng hóa nói chung vẫn đang trong thời kỳ khó khăn. 60% doanh nghiệp FDI được điều tra cũng cho hay, các điều kiện thị trường là yếu tố ảnh hưởng tích cực nhất tới hiệu quả hoạt động của họ. 

Đại diện VCCI cho biết, 46,7% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra và 57% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hơn một nửa sản lượng của mình một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. “Ngay cả với hàng hóa bán ra thị trường nội địa cũng thường bán cho cá nhân nước ngoài, chiếm khoảng 15%” - chuyên gia VCCI phân tích. Tuy nhiên, năm 2011, các doanh nghiệp này cũng đã tăng cường bán hàng cho các cá nhân trong nước. Thực tế trên nói lên phần nào sự đối lập trong cách khai thác thị trường của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhìn vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI để tích lũy kinh nghiệm cho mình, vượt qua khó khăn trước mắt, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh.