Doanh nghiệp nội lép vế trước các nhà đầu tư Thái Lan

ANTĐ - Sự kiện Tập đoàn Central và Tập đoàn Nguyễn Kim công bố nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu Euro (1,05 tỷ USD) hồi cuối tháng 4 vừa qua đã khiến cho giới chuyên gia và doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không còn lạc quan về khả năng cạnh tranh của các nhà bán lẻ nội. Doanh nghiệp bán lẻ Thái vượt mặt doanh nghiệp bán lẻ Việt, hàng Thái lấn lướt hàng Việt đã trở thành hiện thực!

Doanh nghiệp nội lép vế trước các nhà đầu tư Thái Lan ảnh 1Hệ thống siêu thị Big C đã được bán cho nhà đầu tư Thái Lan

Thống lĩnh thị trường bán lẻ 

Với 33 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước, việc Central và Nguyễn Kim mua lại hệ thống Big C Việt Nam với hơn 1 tỷ USD được xem là một trong những thương vụ chuyển nhượng lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài này còn đang sở hữu 13 siêu thị Lan Chi và hàng loạt cửa hàng, khách sạn kinh doanh khác.

Không phải đợi đến khi Big C Việt Nam thuộc về tay người Thái, thị trường bán lẻ Việt Nam mới “lâm nguy” mà trước đó, từ khi tập đoàn ThaiBev tìm cách nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC), nhiều cảnh báo đã được đưa ra. Đến giữa năm 2014, Công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev bất ngờ chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Khi đó, Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD. 

Và chỉ gần 1 năm sau khi Metro về tay người Thái, chính Central Group cũng sở hữu được 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Chưa kể, thị trường bán lẻ Việt Nam còn có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản tại Aeon - Fivimart, Trần Anh; Hàn Quốc với Lotte… 

Bình luận về việc “đại gia” Thái Lan mua lại Big C Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng: “Mua bán sáp nhập là việc bình thường. Nhưng mới chỉ tính riêng Metro và Big C thì đã có 52/88 điểm bán lẻ hiện đại tại Việt Nam nằm trong tay người Thái, chiếm hơn 50%, chưa kể hệ thống các cửa hàng tiện lợi. Không những thế, doanh số của họ còn gấp từ 4-7 lần siêu thị nội”. Về cơ cấu hàng hóa, hiện 75% hàng điện máy gia dụng tại Việt Nam có xuất xứ Thái Lan. Tỷ lệ này ở ngành hàng rau quả là 41%. “Không hộ gia đình nào không có một sản phẩm, thiết bị là hàng Thái Lan. Ngoại trừ ngành hàng đồ chơi trẻ em, may mặc và xe tải Trung Quốc đang có ưu thế hơn, còn lại đều là hàng Thái lấn lướt”- ông Vũ Vinh Phú nói.

Chi phối nền sản xuất

Đây là hệ quả tất yếu theo quy luật kinh tế thị trường. Tại cuộc tọa đàm mới đây, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tôn Hoa Sen cho rằng, các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. “Một số tập đoàn Thái Lan đã thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các siêu thị. Nhiều doanh nghiệp phản hồi không thể đưa hàng vào siêu thị có người Thái Lan đầu tư. Làm sao để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được trong tương quan luôn ở thế bất lợi?” - đại diện Tôn Hoa Sen trăn trở. 

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp của Việt Nam cũng than thở về việc khó đưa hàng vào siêu thị có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hơn so với trước đây. Họ hoặc là đòi chiết khấu cao hơn khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh, hoặc họ dành cho hàng nội địa của họ vị trí trưng bày đẹp, thuận tiện nhất trong các siêu thị hiện đại. Thêm vào đó, hàng trăm chương trình khuyến mãi hấp dẫn được tổ chức với cơ cấu hàng hóa chủ yếu là hàng ngoại, khiến người tiêu dùng Việt Nam khó cưỡng. Đối với đông đảo người tiêu dùng Việt Nam, hàng ngoại vốn được đánh giá có chất lượng tốt hơn, được ưa chuộng hơn, hiện diện tại Việt Nam từ lâu. Nay lại thêm sự “đảm bảo” của nhà phân phối đến từ bản địa, uy tín về chất lượng, xuất xứ của hàng ngoại càng được khẳng định rõ nét hơn. Hàng Việt Nam đương nhiên lép vế.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục hải quan, nếu như năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan của Việt Nam đạt gần 8,3 tỷ USD thì sang năm 2016, con số 10 tỷ USD được dự báo sẽ nhanh chóng đạt được. Trong quý I-2016, 41/50 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam có sự xuất hiện của hàng Thái Lan. Thực tế này cho thấy việc hàng Thái tràn ngập thị trường trong nước, lấn át trong các hệ thống siêu thị không còn là nguy cơ, mà đã trở thành sức ép cạnh tranh thực sự đối với doanh nghiệp nội. 

Từ lĩnh vực bán lẻ, các nhà đầu tư Thái Lan đã tham gia mạnh mẽ vào 3 lĩnh vực khác tại Việt Nam là: thực phẩm, nông nghiệp và công nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực thực phẩm, nhà đầu tư Thái Lan là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk). Ở lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp Thái có mạng lưới nhà máy sản xuất và phân phối rộng khắp nhất là CP Group. Sản phẩm của CP đã có mặt tại khắp các siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc với nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Dương…

Và cách đây vài năm, CP “nổi đình nổi đám” với vụ việc nâng giá trứng gia cầm lên cao trong thời gian 2 tuần, tác động mạnh đến thị trường Việt Nam. Trong lĩnh vực công nghiệp, ngoài sự tham gia của ThaiBev tại hãng sản xuất giấy Cellox, thì sự việc gây chú ý nhất là việc Siam Cement Group mua lại Prime Group - một doanh nghiệp vật liệu xây dựng tư nhân hàng đầu của Việt Nam. Bức tranh nền sản xuất của Việt Nam khi có sự xuất hiện của nhà đầu tư Thái Lan phần nào được hé lộ với những những vụ việc nêu trên. 

Hết thời “lạc quan tếu”

Từ trước đến nay, trong khi không ít ý kiến lo ngại sự thâm nhập mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua lĩnh vực bán lẻ, thì cũng có nhiều quan điểm trái chiều cho rằng, bán lẻ Việt Nam vẫn chiếm ưu thế, doanh nghiệp Việt Nam không có gì phải vội vàng, lo lắng. Dẫn chứng cho niềm tin này, đại diện một doanh nghiệp cho hay, Co.opmart là nhà bán lẻ của Việt Nam hiện có doanh số cao nhất trong lĩnh vực này, vượt qua doanh nghiệp ngoại. Bên cạnh đó còn có hệ thống bán lẻ của Vingroup không ngừng lớn mạnh và thị trường vẫn còn 80% cơ hội cho doanh nghiệp nội. Khoảng trống này được tính toán để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, nằm tận khu dân cư, tiềm năng phát triển lớn. 

Cho rằng đã đến lúc không nên “lạc quan tếu” nữa, ông Vũ Vinh Phú nói: “Co.opmart hay Vingroup, tôi nghe nói cũng lao vào cuộc đua mua lại Big C, nhưng kết quả có mua được không? Còn tham gia thị trường ngách cũng quá khó. Ta thua kém không chỉ về hệ thống phân phối, mà hàng hóa của ta cũng nghèo nàn, ít đổi mới, khó cạnh tranh”. Theo vị chuyên gia thị trường này, một số doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành của Hà Nội hoạt động không còn hiệu quả, sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, trong khi sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý lại hạn chế nên không dễ để thoát khỏi thực trạng hiện nay. 

Theo các chuyên gia, mở cửa buộc doanh nghiệp phải chấp nhận cạnh tranh. Nhưng trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang loay hoay tìm hướng để tồn tại, phát triển thì người tiêu dùng lại được lợi. Hàng ngoại với cơ cấu đa dạng, phong phú, giá cả cạnh tranh, uy tín, chất lượng hơn đang chiếm cảm tình của người tiêu dùng Việt. Hơn thế, khách hàng Việt được chăm sóc kỹ lưỡng khi đến với các điểm bán hàng chuyên nghiệp của doanh nghiệp ngoại, thay vì được đón tiếp một cách hững hờ tại không ít điểm bán lẻ của doanh nghiệp nội.