Doanh nghiệp nhỏ cần dựa vào nhau

ANTĐ - Tại hội nghị Phụ nữ Thủ đô với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa diễn ra, nhiều nữ doanh nhân cho rằng, trong khi doanh nghiệp lớn thuộc các ngành nghề: dệt may, da giày, cơ khí... đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa thì các doanh nghiệp nhỏ cần dựa vào nhau để tồn tại.

Tỷ lệ hàng Việt ngày càng cao trong các siêu thị

Liên kết để phát triển

Bà Hoàng Kim Dung - Giám đốc Công ty TNHH Ilife chia sẻ: “Doanh nghiệp Việt Nam nên dựa vào nhau để sống. Bản thân các doanh nghiệp có thể liên kết, tiêu thụ sản phẩm của nhau”. Là thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Hà Nội, bà Dung cho biết, các thành viên trong câu lạc bộ đã chia thành nhiều nhóm như: nhóm dịch vụ, nhóm sản xuất, nhóm phong cách... Thành viên các nhóm liên hệ với nhau để tiêu dùng sản phẩm của nhau. Ví dụ, doanh nghiệp bà Dung thuộc nhóm sản xuất sẽ liên hệ với doanh nghiệp sản xuất bao bì và doanh nghiệp dịch vụ. 

Đồng tình quan điểm này, đại diện Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh bày tỏ, mặc dù sản phẩm của vùng sản xuất rau an toàn Đông Anh đang cung ứng cho toàn thành phố, nhưng nếu có sự liên kết tốt hơn, sản phẩm sẽ đưa được vào nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn và các trường học hơn nữa. Như vậy, người dân sẽ không phải sử dụng rau củ nhập khẩu. Đề nghị này bắt nguồn từ thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp làng nghề có sản phẩm chất lượng nhưng đưa vào bán trong siêu thị lại không dễ dàng. 

Thiếu tính liên kết từ sản xuất đến phân phối, tiêu dùng là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa. Vì thiếu liên kết nên doanh nghiệp không có thông tin về sản phẩm của nhau. Bên cạnh đó là sự chưa thực sự thiện chí với sản phẩm nội của không ít chủ doanh nghiệp.  

Bộ Công Thương cho biết, năm 2013, Bộ này có kế hoạch quảng bá cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời, có chính sách mở rộng, củng cố hệ thống phân phối văn minh, hiện đại, thiết lập các điểm bán hàng Việt bền vững. Doanh nghiệp nhỏ và vừa biết tận dụng cơ hội có thể đưa hàng vào tiêu thụ tại đây. 

Người nước ngoài chuộng hàng Việt

Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Hoàng Kim Dung cho biết, công ty tư nhân của bà sở hữu nhà thuốc Đức Long trên phố Giảng Võ. Đây là nhà thuốc uy tín nên thường xuyên có khách là người nước ngoài đến mua. “Họ luôn đề nghị được mua thuốc do Việt Nam sản xuất thay vì mua thuốc nhập khẩu và đặc biệt không bao giờ mua thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc”- bà Dung nói. Theo bà Dung, đây là nghịch lý bởi trong khi người nước ngoài chuộng hàng Việt Nam thì một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam lại rất sính hàng ngoại. 

Chia sẻ về kinh nghiệm làm gia tăng giá trị cho hàng Việt, vị nữ giám đốc này cho biết: “Giá dịch vụ trong hàng hóa, sản phẩm nhiều thì người bán thu được nhiều tiền hơn. Giá dịch vụ nằm ngay trong thái độ, kiến thức của người kinh doanh”. Ví dụ, cửa hàng thuốc của bà Dung có nhập mật ong Tam Đảo về bán. Cùng loại mật ong này, giá bán cho 65ml xuất khẩu là từ 20.000-30.000 đồng. Bà Dung cho rằng, nên thay đổi cách thức bằng cách bớt lượng mật ong và thêm vào đó một phần tổ ong, đóng trong chai nhỏ như quà tặng sẽ khiến khách nước ngoài rất thích. Không ngần ngại tìm “chỗ dựa” cho sản xuất của công ty, bà Dung cho hay đang tìm kiếm vùng đất nông nghiệp ở ngoại thành để trồng loại gạo sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, cung cấp cho cả thị trường trong nước. Loại gạo này chỉ cần đổ nước khoáng vào là có thể sử dụng, rất tiện dụng trong ngày mưa bão, lũ lụt. 

Theo ông Đặng Vũ Tuấn- Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, các doanh nghiệp dựa vào nhau, tìm kiếm nhau để liên kết sản xuất, tiêu thụ là việc làm cần thiết, giúp thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.