Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa có lợi nhuận bình quân tăng 10%/năm

ANTĐ - Đây là thông tin được ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đưa ra tại Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức sáng 1-4-2015.

Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa có lợi nhuận bình quân tăng 10%/năm ảnh 1Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nhưng chỉ bán ra lượng vốn nhỏ sẽ khó thu hút được nhà đầu tư

Chuyển biến quan trọng về quản trị

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương lớn được Chính phủ triển khai quyết liệt. Trong năm 2014, công tác thoái vốn, cổ phần hóa đã có những tiến triển tích cực so với các năm trước. Các sở giao dịch và các công ty chứng khoán luôn sẵn sàng cung cấp các dịch vụ, hệ thống để hỗ trợ doanh nghiệp.

Năm 2014, thông qua thị trường chứng khoán, đã tổ chức đấu giá, thoái vốn thành công trên 11.400 tỷ đồng. Bước sang năm 2015, quý I đã đấu giá, thoái vốn được hơn 1.200 tỷ đồng.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ rõ: “Hoạt động của các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán đạt được hiệu quả rõ nét. Các công ty niêm yết có vốn tổng tài sản tăng bình quân mỗi năm 13%, vốn chủ sở hữu tăng bình quân mỗi năm 12%, lợi nhuận tăng bình quân mỗi năm 10% và doanh thu tăng bình quân khoảng 20%.

“Đây là chuyển biến quan trọng về quản trị cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó chứng tỏ hướng đi đúng đắn của việc cổ phần hóa, niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán”, ông Bằng đánh giá.

9 tháng phải cổ phần hóa 260 doanh nghiệp

Thông tin thêm về kết quả thực hiện cổ phần hóa, ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp.
Tính đến hết quý I-2015, 29 doanh nghiệp (3 Tổng công ty nhà nước và 26 doanh nghiệp) được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 260 doanh nghiệp còn lại đều đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó, 207 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, 81 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.

Trong 3 tháng đầu năm có 27 doanh nghiệp thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 Sở giao dịch Chứng khoán (bằng 28% sổ lượng cả năm 2014). Tổng số lượng cổ phần chào bán trên 137,6 triệu cổ phần (bằng 10,4% cả năm 2014), trong đó, tổng số lượng cổ phần đã bán được là trên 60,5 triệu cổ phần (chiếm 44% tổng số lượng cổ phần chào

bán), thu được gần 1.251 tỷ đồng.

“Như vậy, trong 9 tháng cuối năm 2015 còn phải thực hiện cổ phần hóa 260 doanh nghiệp, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch năm 2015. Để hoàn thành kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty cần phải nỗ lực thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”, ông Thu nhấn mạnh.

Ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chia sẻ: “Từ nay đến cuối năm, mỗi ngày bình quân chúng tôi phải bán 1 doanh nghiệp là nhiệm vụ rất lớn và vô cùng khó khăn. Hiện theo quy định tại Quyết định số 51 của Thủ tướng, SCIC được bán cổ phần tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thấp hơn mệnh giá. Cơ chế này tạo sự linh hoạt, dễ dàng hơn khi bán vốn. Nhưng khó khăn là rất lớn khi có doanh nghiệp, SCIC chỉ bán với giá có 500 đồng/cổ phần”.

Ông Nguyễn Anh Trung, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Cổ phần Chứng khoán Hải Phòng đánh giá: “Trong quá trình tư vấn cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước khó khăn mà chúng tôi gặp phải liên quan đến việc định giá cũng các giấy tờ, chứng nhận quyền sở hữu... Mặt khác lượng vốn của Nhà nước bán ra tại các doanh nghiệp này rất nhỏ, khó thu hút được các nhà đầu tư. Ví dụ như mới đây khi tư vấn cổ phần hóa cho Cảng Hải Phòng, lượng vốn bán ra chỉ có 5%. Khi cơ quan Nhà nước còn nắm giữ phần vốn lớn thì các quyết sách của doanh nghiệp vẫn phụ thuộc, trong khi nhà đầu tư mong muốn nắm giữ lượng vốn đủ để tham gia hoạt động quản trị”.