Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa ì ạch do lãnh đạo sợ trách nhiệm

ANTD.VN - Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa chậm là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay. Lãnh đạo sợ phải chịu trách nhiệm, ngại thay đổi tư duy là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng này.

Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa ì ạch do lãnh đạo sợ trách nhiệm ảnh 1

Doanh nghiệp Nhà nước cần có phương án cổ phần hóa khả thi 

Cổ phần hóa tiếp tục chậm

Tham luận tại diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” diễn ra ngày 6-11, ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra còn chậm.

Cụ thể, năm 2016, theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa 66 doanh nghiệp (trong đó có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 doanh nghiệp độc lập) với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 18/35 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai…

Đến năm 2017, 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị doanh nghiệp của 69 doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.

Trong số 69 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 48 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít so với số cổ phần bán đấu giá công khai như: Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3); Tổng công ty Công ty Sông Đà; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình.

9 tháng đầu năm 2018, có 10 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, đáng chú ý là Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường (Quân khu 5) và Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTV cab) đã báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu. Tuy nhiên, VTV cab bán đấu giá không thành công.

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng: “Tính đến tháng 10-2018, mới có 10% doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy là rất chậm. Mặc dù vậy, kết quả gần đây cho thấy, doanh nghiệp bán vốn đều được giá trị cao hơn, tức là đã có sự thay đổi về chất. Tuy vậy, các doanh nghiệp chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia. Có trường hợp đáng không bán được, chẳng hạn như GENCO 3. Họ kinh doanh khá tốt nhưng cách làm không chuẩn”.

Ứng dụng công nghệ để nâng hiệu quả doanh nghiệp

Theo ông Đặng Quyết Tiến, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng chậm cổ phần hóa vẫn tiếp tục diễn ra, trong đó có tâm lý sợ trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp nào có người đứng đầu quyết liệt thì cổ phần hóa diễn ra thuận lợi hơn.

“Chúng tôi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo rất tâm tư sau khi cổ phần hóa sẽ đi đâu, về đâu? Xử lý công nợ ra sao? Họ sợ trách nhiệm”- đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp nói.

Bên cạnh đó, do tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo- Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM), hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn rất thấp, đa số tập trung vào 7 tập đoàn kinh tế lớn. Trong khi đó, mức độ sẵn sàng với cách mạng 4.0 của doanh nghiệp Nhà nước còn rất hạn chế.

Đại diện CIEM cho hay, có đến 23,3% doanh nghiệp Nhà nước được hỏi không có ý định áp dụng công nghệ điện toán đám mây dù đây là công cụ hữu hiệu giúp quản trị doanh nghiệp và phát triển sản xuất; 25,6% cho biết không liên quan đến ứng dụng công nghệ.

“Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Vinamilk… là những doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong ứng dụng công nghệ nên cổ phần hóa rất thuận lợi. Nếu doanh nghiệp còn duy trì sự độc quyền, o bế, chần chừ trong cách mạng công nghiệp 4.0 thì còn khó đổi mới, nâng cao hiệu quả”- bà Nguyễn Thị Minh Thảo nhấn mạnh.