Doanh nghiệp nạo vét luồng lạch chỉ thích hút cát bán

ANTD.VN - Theo kết luận thanh tra của Bộ GTVT vào cuối năm 2016 đã chỉ ra, các công ty được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho phép nạo vét luồng lạch phần lớn chỉ tập trung vào hút cát, sỏi bán thu lời mà quên nhiệm vụ chính. 

Năm 2016, Bộ GTVT đã thanh tra công tác bảo trì, nạo vét đường thủy nội địa của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Cuối năm 2016, kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, vi phạm trong hoạt động này.

Qua kiểm tra công tác 8 tháng cuối năm 2016, Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều dấu hiệu “bất thường” trong công tác lựa chọn nhà thầu bảo trì, nạo vét duy tu luồng lạch đường thủy nội địa.

Hầu hết 10 Công ty được thanh, kiểm tra đều cho  thấy sự lộ cộ trong tổ chức, phần lớn là những công ty kiểu “chắp vá”, không có đầy đủ bộ máy nhân sự, lao động không có chuyên môn, đặc biệt phương tiện tham gia nạo vét phần lớn được các nhà thầu thuê lại của các chủ phương tiện.

Các công ty nạo vét luồng lạch chỉ thích hút cát, sỏi bán mà "quên" nhiệm vụ chính

Đáng nói, nhiều dự án thanh tra còn phát hiện một số công ty đã đưa vào những trang thiết bị, tàu hút cát không nằm trong danh mục phương tiện phục vụ dự án. Sử dụng những tàu hút cát công suất lớn như tàu hút 1010CV, tàu hút 1300CV, tàu kéo 400CV, ...

Có đến 11 dự án đã bị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu các Công ty nạo vét chấm dứt hợp đồng nhưng lại không có các tài liệu thể hiện nhà đầu tư đã chấm dứt hợp đồng dự án, đưa phương tiện, trang thiết bị ra khỏi khu vực công trường; không thực hiện nghiệm thu, bàn giao kết quả thực hiện dự án. 

Trong tống số 71 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm được duyệt, số lượng dự án có vị trí do nhà đầu tư tự đề xuất ngoài danh mục được phê duyệt chiểm tỷ lệ lớn (47 dự án). Có những dự án nạo vét chưa được Bộ GTVT chấp thuận, hoặc chưa được địa phương chấp thuận nhưng nhà đầu tư vẫn tiến hành nạo vét, khai thác cát!.

Đáng nói, Đoàn thanh tra chỉ ra, dưới tác động của kinh tế thị trường, các nhà đầu tư luôn tối đa hoá lợi nhuận trong việc tận thu sản phẩm, nên chỉ quan tâm đến việc nạo vét tại những vị trí có cát, sỏi để có thể tận thu, không thực hiện nạo vét luồng theo chuẩn tắc được phê duyệt.

Sau khi ký hợp đồng thực hiện dự án với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các nhà đầu tư đã thuê các chủ phương tiện tự bố trí nhân lực, phương tiện để thực hiện nạo vét, sau đó bán sản phẩm tận thu cho tổ chức, cá nhân ngoài thị trường.

Từ những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra sai sót, tồn tại trong thực hiện việc quản lý bảo trì đường thuỷ nội địa và trong quản lý giám sát, thực hiện các dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm. Chấm dứt việc thực hiện hợp đồng đối với dự án có tồn tại, sai sót trong việc ký hợp đồng; dừng thi công đối với các dự án không bảo đảm điều kiện thi công; xử phạt vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông nghiên cứu bỏ quy định cho phép nhà đầu tư đề xuất vị trí nạo vét để ngăn ngừa tình trạng nhà đầu tư đề xuất dự án nạo vét tại nơi có nhiều tài nguyên nhưng không cần thiết và cấp bách để nạo vét luồng, tuyến và cơ quan nhà nước vẫn chấp thuận (lợi dụng chủ trương nạo vét để khai thác cát)...

Mặc dù vậy, đến tháng 3/2017 vừa qua, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh đã phải có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ vì bị đe dọa do đã kiên quyết dừng dự án nạo vét luồng lạch kết hợp tận thu cát trên sông Cầu trên địa bàn tỉnh này.