Doanh nghiệp "mướt mồ hôi" vì chưa được "cởi trói"

ANTĐ - Một trong những vấn đề bức xúc nhất được cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp mặt hồi cuối tháng 4-2016 là doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều, phải cầu cạnh xin - cho khiến họ rất ức chế, mệt mỏi. Rõ ràng, chưa được “cởi trói”, doanh nghiệp còn đuối sức cạnh tranh.

Doanh nghiệp "mướt mồ hôi" vì chưa được "cởi trói" ảnh 1Doanh nghiệp mong muốn thủ tục hải quan, thuế đơn giản hơn

5m vải phải kiểm tra 138 lần

Kể lại “đoạn trường” xin - cho trong quá trình sản xuất, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Trong quý I-2016, một doanh nghiệp có 5m vải mẫu chuyển từ nước ngoài về mà cần tới 138 lần kiểm tra theo Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương. Chưa kể, một doanh nghiệp nhỏ mà mỗi quý phải đón 3-4 đoàn kiểm tra của thuế, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… Cứ liên tục như vậy thì rất ức chế, đề nghị gom tất cả các cơ quan cùng đến một lần”. 

Cùng chung cảnh ngộ, đại diện nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng. Theo đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương vẫn “làm khó” cho doanh nghiệp vì những quy định về giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Chẳng hạn, với quy định về lấy mẫu, từng có ý kiến kiến nghị Bộ Công Thương quy định cụ thể trường hợp doanh nghiệp mua hàng của nhà xuất khẩu, nhưng không xuất trình được mẫu vật liệu dệt thì có phải lấy mẫu sản phẩm nguyên chiếc để kiểm tra không? Nếu phải làm vậy, sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp do giá trị sản phẩm mẫu thường rất lớn. “Quy định này khiến cho doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt may cao cấp tốn kém. Lô hàng nào cũng phải lấy mẫu kiểm tra trong khi các loại hàng này được sản xuất ở các nước phát triển, rất đắt tiền. Kiểm tra nhiều vừa tốn thời gian, vừa tăng chi phí cho doanh nghiệp”- lãnh đạo doanh nghiệp nói. 

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho hay, doanh nghiệp trong ngành này vừa phải làm việc với các đối tác nước ngoài về kiểm tra an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, khách hàng… vừa phải thực hiện yêu cầu kiểm tra của hải quan về nhập - xuất - tồn hàng hóa, hoàn thuế hàng nhập sản xuất xuất khẩu… nên rất mệt mỏi.

Doanh nghiệp chứ đâu phải “ăn xin”

Tại một cuộc hội thảo mới đây về tận dụng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, ông Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công ty TNHH Nam Việt (hoạt động trong lĩnh vực dệt may) chia sẻ, để xin được chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi thì doanh nghiệp cũng “mướt mồ hôi” và tốn kém không ít chi phí.

“Khi chúng tôi đến hỏi về vấn đề C/O, mong rằng các cơ quan Nhà nước coi chúng tôi là doanh nghiệp, công dân chứ không phải “ăn xin” ở “cửa quan”- đại diện doanh nghiệp nói. Vị này cũng kể ra gánh nặng chi phí mà doanh nghiệp đang gặp phải. Cụ thể, 1 container xuất khẩu, từ Hà Nội đi Hải Phòng mất 400USD phí vận chuyển, nhưng từ Hải Phòng sang Nhật Bản chỉ mất 100USD. Ông Nguyễn Đức Chung nói: “Làm phép so sánh đơn giản để thấy rằng, doanh nghiệp không thể cạnh tranh về giá. Chi phí không chính thức để xuất 1 lô hàng bị đẩy lên quá cao, đây là rào cản lớn cho doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành thép cho hay, nhiều thủ tục hành chính về thuế, hải quan chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý vì doanh nghiệp mà thay đổi” - vị đại diện này nói.

Theo ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia trong lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều vướng mắc trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan… dẫn đến vừa tốn kém, vừa phiền hà. Chưa kể, có những văn bản hướng dẫn doanh nghiệp dài đến vài trăm trang, khó lĩnh hội và triển khai thực hiện. Chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tận dụng được các ưu đãi từ hội nhập mang lại.