Doanh nghiệp mất bình quân 63 triệu đồng mỗi lần làm thủ tục hành chính về môi trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Môi trường và xây dựng là hai lĩnh vực mà các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí nhất khi làm thủ tục hành chính, bao gồm cả các khoản chi phí không chính thức...
Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo

Sáng nay, 17-3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng tư vấn cải cách TTHC) tổ chức họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020 (APCI 2020).

Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, Báo cáo APCI thường niên phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Báo cáo APCI 2020 được công bố hôm nay, trong 9 nhóm TTHC quan trọng, môi trường là lĩnh vực doanh nghiệp mất nhiều chi phí làm thủ tục hành chính nhất khi trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ và 3,1 triệu đồng.

Cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói các thủ tục liên quan đến môi trường, đặc biệt là thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường… Tổng chi phí mỗi lần làm thủ tục hành chính về môi trường lên đến trên 63 triệu đồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo

Nhóm có chi phí làm thủ tục hành chính cao tiếp theo là xây dựng, doanh nghiệp phải bỏ ra 21,2 giờ và 4,7 triệu đồng cho chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, thẩm định, lệ phí cấp phép xây dựng, một phần chi phí không chính thức…

Qua 3 năm triển khai, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường… là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này chưa hoàn toàn tương xứng với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như kỳ vọng từ Chính phủ vì còn nhiều hoạt động hậu kiểm vẫn đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép”, vì thế không giúp được gì cho mục tiêu cắt giảm chi phí của doanh nghiệp...

Nhóm nghiên cứu APCI cũng cho rằng, mặc dù kết quả qua 2 năm phản ánh có sự tiến bộ nhất định trong việc cắt giảm chi phí không chính thức, tuy nhiên, đây vẫn là một trong 4 vấn đề trọng tâm được báo cáo nêu ra như là bài học để tiếp tục thúc đẩy cải cách vì chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh…

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, một trong những khuyến nghị mà Báo cáo APCI 2020 đưa ra và nhấn mạnh là đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử trong việc thực hiện các TTHC, thúc đẩy kênh thông tin liên lạc giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Thực tế kết quả khảo sát cho thấy, đẩy mạnh điện tử hoá TTHC là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng- Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân TTHC bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.