Doanh nghiệp làng nghề vẫn khát vốn

ANTĐ - Dù đã được quan tâm, được ưu tiên để vay vốn phát triển, song đối với các làng nghề đến nay mức quan tâm mới chỉ dừng trên văn bản. Hàng nghìn làng nghề rơi vào khó khăn mà vốn vay vẫn không thấy đâu.

Nhiều doanh nghiệp làng nghề đã phá sản  vì khó khăn

Chính sách có nhưng vốn còn xa

Số liệu mới nhất từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, cả nước có tới 4.575 làng nghề. Có thể nói, tốc độ phát triển làng nghề rất nhanh, với bình quân mỗi năm tăng 6-15%. Ông An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết các làng nghề ở nông thôn đang góp phần tạo việc làm và thu nhập cho 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn tham gia, đặc biệt có những địa phương đã thu hút được hơn 60% nhân lực. Mức thu nhập của người dân các làng nghề cao hơn hẳn so với thuần nông khoảng 1,5-4 lần. Trong đó, nhiều lao động làng nghề đã có thu nhập tới 4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đến nay, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 66 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, hầu hết các địa phương đều cho rằng, bộn bề khó khăn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng thừa nhận: “Không ít khó khăn chồng chất tại các địa phương khiến cho việc phát triển làng nghề chưa đồng nhất, quản lý chồng chéo và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội chưa được phát huy tối đa”.

Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước đã có 22.331 doanh nghiệp làng nghề đi vào hoạt động, cùng với 894.695 hộ và cơ sở nhỏ lẻ góp thêm nỗ lực lớn vào chương trình tạo việc làm cho lao động nông thôn. Hầu hết các tỉnh, thành đều cho rằng, từ nhiều năm qua, các làng nghề tiếp cận vốn vay rất khó. Theo Sở Công Thương An Giang, chỉ những cơ sở sản xuất, DN lớn mới được tiếp cận vốn ngân hàng (NH) thương mại. Còn các cơ sở ngành nghề nhỏ lẻ, hộ gia đình không thể vay được vốn do cơ sở sản xuất thô sơ và tài sản thế chấp chưa phù hợp. Cũng vì thiếu vốn nên một số cơ sở nghề lâu năm như nghề chế tác đá Ninh Vân (Hoa Lư - Ninh Bình) hay mây tre đan Xuân Lai (Bắc Ninh)... khó mở rộng thị trường, mẫu mã cũng như cơ sở hạ tầng.

Hơn 48.000 DN giải thể phần lớn thuộc làng nghề

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, một thực trạng đáng lo ngại hiện nay, chỉ có khoảng 60% cầm cự được nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, có tới 40% đang thoi thóp, ngưng sản xuất hoặc đã bị phá sản. Ông Tuấn nói: “Theo Bộ KH-ĐT, tính đến tháng 9-2011 cả nước có tới 48.700 doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể, đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng thì phần nhiều là doanh nghiệp ở các làng nghề”.

Do đó, giải pháp để gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa nói chung, DN làng nghề nói riêng hiện nay phải tháo gỡ là khó khăn về vốn. “Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những điều chỉnh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, áp dụng lãi suất hợp lý đối với DN làng nghề nhưng hiện nay, các đòi hỏi như DN phải có phương án kinh doanh, phương án trả nợ và tài sản thế chấp vẫn gây khó khăn cho các làng nghề”, ông Tuấn nói.

Vì vậy, bên cạnh đề nghị các ngân hàng nên tạo điều kiện cho DN làng nghề được vay vốn dễ dàng với lãi suất ưu đãi, gia hạn đáo nợ cho những DN đứng trước nguy cơ phá sản thì về lâu dài, cần nhân rộng mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ ở mỗi địa phương. Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhưng cho tới nay, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ mới ra đời ở 11 địa phương. Nguyên nhân là do ngân sách các địa phương eo hẹp, cơ chế quản lý quỹ chưa phù hợp, nên các tổ chức tín dụng và cả DN cũng không mặn mà tham gia góp vốn để thành lập quỹ. Trong khi để thành lập quỹ, mức vốn điều lệ quy định tối thiểu là 30 tỷ đồng nên các địa phương không đủ khả năng huy động, hoặc quỹ hoạt động không hiệu quả.