Doanh nghiệp game online muốn được “cởi trói”

ANTĐ - Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online) thẳng thắn chia sẻ tình trạng lao đao với lãnh đạo  Bộ TT-TT tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến” diễn ra sáng 3-7. Nguyên nhân của những khó khăn này là do chính sách quản lý chậm thay đổi và bất hợp lý.

Ngành công nghiệp game online vẫn thiếu cái nhìn thiện cảm

Doanh nghiệp bị “trói tay, trói chân”

Đó là ví von của ông Lê Hồng Minh- Tổng Giám đốc Công ty VNG về chính sách quản lý hiện tại của cơ quan Nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh game online tại Việt Nam. Các doanh nghiệp game online trong nước hiện đang chịu sự quản lý của Thông tư 60 được ban hành từ năm 2006 với nhiều điểm không còn phù hợp. Năm 2010, Bộ TT-TT hạn chế cấp phép game online mới được phát hành bởi các doanh nghiệp nội địa để hạn chế tác động tiêu cực như: nghiện game, thanh thiếu niên bỏ học, ảnh hưởng sức khỏe, mất trật tự xã hội... Biện pháp quản lý hành chính cũ này đã khiến các doanh nghiệp game khó khăn chồng chất. Theo đại diện FPT Online, từ cuối năm 2010 đến 30-6-2013, FPT Online rơi vào tình trạng khủng hoảng, tăng trưởng âm liên tục. 

Thời gian qua, rất ít trò chơi mới được phát hành và trò chơi không hấp dẫn người chơi. Để tồn tại được, hầu hết các doanh nghiệp lách luật, vi phạm bằng cách tiếp tục phát hành các trò chơi chưa được cấp phép. Thực tế này đã được ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh Thanh tra Bộ TT-TT xác nhận: “Việc cấp phép hạn chế game online nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực đã khiến doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn, bế tắc, phải tính toán lại. Thực tế, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mối quan hệ giữa game online và việc hình thành các hành vi phạm tội. Doanh nghiệp game online muốn tồn tại phải vi phạm. 100% doanh nghiệp có sản phẩm đã phát hành mà chưa được thẩm định”. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, cơ quan quản lý nhà nước đã để doanh nghiệp tự vật lộn về nhiều mặt mà đáng lẽ họ phải được hỗ trợ. Trong khi đó, game bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục, cổ vũ bài bạc được phát hành bởi các doanh nghiệp nước ngoài, đặt máy chủ ở nước ngoài vẫn tràn lan. Ngoại tệ chảy ra nước ngoài, chưa kể các hình thức phát hành mới như web game, game mobile cũng ngày càng phổ biến và khó quản lý. 

Tổng Giám đốc VNG Lê Hồng Minh thẳng thắn: “Thực tế này chứng tỏ chúng ta quản lý chặt nhưng chưa đạt mục tiêu, hiệu quả, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước”.

Không vì khó quản mà cấm

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn tại hội thảo này. Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Hồng Minh cho biết: “Chúng tôi mong muốn được quản lý! Quản lý để phát triển. Doanh nghiệp nào cũng muốn kinh doanh lành mạnh, hợp pháp, phát triển bền vững”. 

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo - Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), game online là sản phẩm giải trí hiện đại, kích thích nhu cầu sử dụng nội dung số, phát triển công nghệ thông tin; giúp người chơi có phản xạ nhanh và nếu kết hợp với giáo dục, các trò chơi này sẽ giúp người chơi được thư giãn. Năm 2012, doanh thu trực tiếp từ ngành công nghiệp này là hơn 5.000 tỷ đồng. Game online cũng có tác động tiêu cực đến người chơi, đến xã hội khi người chơi không kiểm soát được. Vì chưa có những nhận thức đúng đắn về game    online nên vô hình trung, các biện pháp quản lý khắt khe của nhà nước và tâm lý xã hội đã hạn chế cả các trò chơi mang tính giáo dục, giải trí đơn thuần, ảnh hưởng tới doanh nghiệp game trong nước. 

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, game online là một ngành công nghiệp có khả năng phát triển mạnh ở Việt Nam và là lĩnh vực tất yếu trong quá trình đưa nước ta thành nước mạnh về công nghệ thông tin. Đóng góp của ngành cho nền kinh tế là hàng nghìn tỷ đồng doanh thu trực tiếp. Nếu tính cả doanh thu gián tiếp từ việc bán máy tính, phát triển internet... thì lên đến khoảng 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Nó cũng tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động trực tiếp và 10.000 lao động gián tiếp. Ngành game online của Việt Nam được đánh giá phát triển bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Để hạn chế tác động tiêu cực, các quốc gia trên thế giới đều có biện pháp quản lý riêng. Tuy nhiên, họ vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ví dụ, Trung Quốc quản lý game online rất chặt nhưng theo hướng bảo hộ doanh nghiệp nội địa. Hàn Quốc và Trung Quốc hạn chế tác động xấu tới trẻ em bằng chứng minh nhân dân điện tử. “Ngành công nghiệp game online ở Việt Nam nên để tự vận động theo thị trường. Các tiêu chí về game giáo dục, game nhân văn, game bạo lực... không được phép lưu hành các nước trên thế giới đã có, Việt Nam nên tham khảo để đưa ra tiêu chí chung cho game Việt”- đại diện doanh nghiệp đề xuất. 

Bộ TT-TT đang trong quá trình hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý internet, trong đó có quản lý game online. Các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng đây sẽ là hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, thoát khỏi khó khăn hiện nay.