Doanh nghiệp dược vẫn chủ yếu là gia công thuốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cả nước có hơn 800 doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhưng trong đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ rất ít, chủ yếu là gia công cho doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công thuốc, chưa được chuyển giao công nghệ sản xuất nhiều loại thuốc

Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công thuốc, chưa được chuyển giao công nghệ sản xuất nhiều loại thuốc

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam".

Theo ông Tạ Mạnh Hùng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong hơn 800 doanh nghiệp khoa học công nghệ của cả nước, số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược rất ít và gặp rất nhiều khó khăn.

"Hiện nay, số lượng thuốc được chuyển giao công nghệ rất thấp, chủ yếu là gia công cho các cơ sở trong nước cũng như nước ngoài"- ông Tạ Mạnh Hùng cho hay.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, trong số các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện nay, hầu như chỉ có các doanh nghiệp sản xuất dược liệu thiên nhiên, thực phẩm chức năng, còn thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, khẩn cấp mang tính điều trị còn vắng bóng.

Việc chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thuốc, đặc biệt là biệt dược còn rất yếu.

Ông Phạm Hồng Quất cho rằng: "Nếu không có những đột phá về chính sách, thúc đẩy đầu tư thì tình trạng sản xuất gia công (dược phẩm) vẫn phổ biến tại Việt Nam".

Ngày 17-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Quyết định này, đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.

Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường; Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

Định hướng đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định 376/QĐ-TTg gặp rất nhiều khó khăn như: chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với sản xuất thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế còn chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, chưa thu hút nguồn đầu tư phát triển dược liệu. Chính sách quản lý giá thuốc, định hướng sử dụng thuốc generic; sở hữu trí tuệ…

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá, ngành dược có tầm quan trọng đối với an sinh xã hội, sự ổn định của đời sống xã hội và mỗi người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.

Tuy nhiên, các ưu đãi, hoạt động chuyển giao công nghệ theo Quyết định 376 của Chính phủ với biệt dược gốc chưa được thực hiện; Các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh rất hạn chế do các ưu đãi chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tại Việt Nam…

Đánh giá Việt Nam có cơ hội trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành dược, ông Đỗ Ngọc Thạch- Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tạo ra một chiến lược “đột phá”bằng cách triển khai song song các giai đoạn phát triển thay vì triển khai tuần tự như mô hình truyền thống.

Với tiềm lực hiện tại, Việt Nam có thể bắt đầu bằng cách tập trung đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm lâm sàng và y tế số, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực để sẵn sàng đón đầu các xu hướng, cơ hội mới trong tương lai.