Doanh nghiệp “đua” phát hành trái phiếu trước thời điểm bị “siết”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong quý Sở dĩ các doanh nghiệp tăng tốc phát hành trong vài tháng trở lại đây là do quy định tại Nghị định 81 siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tăng tốc phát hành

Theo thông kê, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong quý 2-2020 là 122,3 nghìn tỷ đồng, tăng 69,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, riêng tháng 5 và tháng 6, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công lên đến 106,8 nghìn tỷ đồng (tăng 72,6% so với cùng kỳ). Lũy kế 6 tháng đầu năm là 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 61,3% so cùng kỳ.

Trong đó, bất động sản và ngân hàng chiếm gần 70% tổng lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm (bất động sản 41,8%; ngân hàng 27,6%).

Lãi suất TPDN bình quân trong quý 2 là 8,89%/năm, giảm 151 điểm cơ bản so với quý 1, dù kỳ hạn phát hành bình quân cao hơn. Nguyên nhân là do nhóm trái phiếu ngân hàng có lãi suất bình quân thấp, chỉ 6,68%/năm nên việc các ngân hàng gia tăng phát hành trái phiếu đã kéo lãi suất bình quân toàn thị trường giảm. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, lãi suất TPDN bình quân trong quý 2 vẫn lên tới 10,27%/năm.

Đối với trái phiếu bất động sản, kỳ hạn và lãi suất có xu hướng giảm, còn bình quân 10,42%/năm trong quý 2 (giảm so với 10,77%/năm trong quý 1). Mức lãi suất cao nhất thị trường sơ cấp trong 6 tháng vừa qua là 13,3%/năm thuộc về Công ty CP City Garden; tiếp theo là 12,5% của Công ty TNHH Viễn thông Trịnh Gia Nguyễn…

Đối với trái phiếu ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng thương mại phát hành tổng cộng 47,3 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn bình quân 4,55 năm, lãi suất bình quân 6,68%/năm (so với 4,12 năm và lãi suất 7,04%/năm của cùng kỳ 2019).

Lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong những tháng gần đây

Lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong những tháng gần đây

BIDV tiếp tục là ngân hàng phát hành nhiều nhất với 15,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6-15 năm – đều là những trái phiếu đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 và BIDV đều có quyền mua lại trước hạn sau 1-5 năm; riêng các trái phiếu 15 năm là sau 10 năm kể từ ngày phát hành. Nếu BIDV không thực hiện quyền mua, lãi suất các kỳ sau sẽ bật lên rất cao.

Nếu tính theo kỳ hạn thực hiện quyền mua, số trái phiếu BIDV phát hành trong 6 tháng đầu năm có kỳ hạn bình quân chỉ là 2,34 năm. Lãi suất bình quân kỳ đầu tiên là 7,45%/năm – cao hơn lãi suất tiền gửi gần 2% và các kỳ sau cũng cộng thêm biên độ từ 0,6 – 1,2%/năm so với lãi suất tiền gửi.

Với mức độ rủi ro thấp, trái phiếu BIDV được các nhà đầu tư cá nhân ưa thích nhất trong số trái phiếu ngân hàng phát hành 6 tháng đầu năm, khi mua tới 4.274 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng này.

Trong nhóm ngân hàng, kỳ hạn và lãi suất cao nhất thuộc về ACB với kỳ hạn trung bình 10 năm, lãi suất 8,5%/năm; Tiếp đến là Vietinbank với kỳ hạn trung bình 8,84 năm, lãi suất 7,83%/năm…

Lãi suất thấp nhất thuộc về trái phiếu VIB với kỳ hạn trung bình 3 năm, lãi suất 5,9%/năm; HDB kỳ hạn 2,83 năm, lãi suất 5,93%/năm…

Siết chặt phát hành trái phiếu từ 1/9/2020

Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam , sở dĩ lượng TPDN phát hành tăng vọt trong quý 2-2020 là do nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh sau thời gian “giãn cách xã hội”, trong khi các ngân hàng sẽ thắt chặt điều kiện cho vay hơn.

“Với tác động của dịch Covid-19, chúng tôi đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, điều kiện cho vay của ngân hàng sẽ có xu hướng thắt chặt, hạn chế rủi ro nợ xấu. Do đó, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng huy động vốn qua kênh trái phiếu” – báo cáo của Mirae Asset nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể vẫn tăng nóng trong quý 3 nhưng sẽ hạ nhiệt trong quý 4.

Trong đó, việc siết chặt quy định phát hành TPDN kể từ 1/9 theo Nghị định 81 khiến các doanh nghiệp phải tăng tốc phát hành trái phiếu trong quý 2 nhằm kịp huy động vốn trước khi các điều kiện phát hành bị siết.

Theo SSI, dự kiến từ thời điểm 1/9/2020, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ giảm mạnh, các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành phần lớn sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.