Doanh nghiệp du lịch: Không đào tạo vì sợ nhân viên... đi mất

ANTĐ - Có một thực tế là chức danh quản lý và giám đốc điều hành tại một số khách sạn 5 sao ở Viê%3ḅt Nam  - những vị trí đòi hỏi tay nghề và trình độ cao hiện nay thường rơi vào tay người nước ngoài. Điều này là do doanh nghiê%3ḅp Viê%3ḅt Nam thường không mấy nỗ lực trong viê%3ḅc đào tạo nhân viên. 

Doanh nghiệp du lịch: Không đào tạo vì sợ nhân viên... đi mất ảnh 1Người làm du lịch Việt Nam nhìn chung vẫn thiếu những kỹ năng cơ bản 

Để người nước ngoài "giành" chỗ

Theo báo cáo của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (dự án EU) được đưa ra cách đây không lâu, tại khu vực 3 tỉnh duyên hải miền Trung là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam - nơi tập trung những điểm du lịch nổi tiếng, trình độ lao động trong lĩnh vực lưu trú còn tương đối thấp, nhất là ở vị trí quan trọng như quản lý. Điều tra cho thấy, nhu cầu đào tạo ở những vị trí quan trọng như quản lý và đầu bếp ở phân khúc khách sạn 4 và 5 sao thường cao hơn hẳn so với khách sạn trung bình (3 sao). Dễ hiều nguyên nhân ở một số khách sạn 5 sao thì chức danh quản lý và giám đốc điều hành đều do người nước ngoài nắm giữ. 

Việc không thể đào tạo ra những lao động có năng lực, tay nghề cao đang đặt ra những thách thức lớn với du lịch Việt Nam. Nhất là năm 2016, Việt Nam tham gia vào thỏa thuận công nhận nghề du lịch cho phép lao động dịch chuyển trong khối các nước ASEAN. “Nếu không có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo các vị trí quan trọng, tay nghề cao thì chúng ta có nguy cơ mất những vị trí này vào tay người nước ngoài” - dự án EU đánh giá. 

Ở lĩnh vực lữ hành, 30% số hướng dẫn viên bị đánh giá không đạt yêu cầu, trong đó số lượng hướng dẫn viên đạt dưới mức kỳ vọng về các kỹ năng cơ bản và chuyên môn như trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp… chiếm trên 20%. Điều này cho thấy ở ngay cả vị trí, ngành nghề “sát sườn” và tác động trực tiếp tới chất lượng hoạt động du lịch nhiều nhất như hướng dẫn viên thì cũng đang bị đặt những dấu hỏi lớn về trình độ và kỹ năng. 

Doanh nghiệp du lịch: Không đào tạo vì sợ nhân viên... đi mất ảnh 2Vị trí quản lý ở nhiều khách sạn 5 sao đang do người nước ngoài đảm nhận

Doanh nghiệp sợ mất nhân viên 

Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chất lượng hướng dẫn viên không đảm bảo là do tính chất công việc không  cố định, nên hướng dẫn viên thường hoạt động khá tự do và khó đảm bảo sự quan tâm sát sao từ phía đơn vị chủ quản. Khi hỏi một số doanh nghiệp lữ hành thì họ cho biết, chủ yếu lao động sẽ được vừa đào tạo, vừa làm. Tuy nhiên, mặt khác có những doanh nghiệp cho biết họ “không nỗ lực” đào tạo nhân viên do… sợ nhân viên tìm thấy bến đỗ mới ở các doanh nghiệp đối thủ. Hoặc “tệ” hơn, sau khi được đào tạo, những nhân viên này mở công ty riêng và cạnh tranh với chính họ. 

Đào tạo xong thì một đi không trở lại - đó cũng là lý giải của ông Phan Văn Hò, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành đồng bằng sông Cửu Long về nguyên nhân các doanh nghiệp du lịch hờ hững với công tác đào tạo nguồn nhân lực. Ông Phan Văn Hò cho biết: “Cái khó của các doanh nghiệp, trước hết là kinh phí hạn hẹp. Tiếp theo là sự quyết tâm của chính doanh nghiệp đó, họ có muốn làm hay không. Trong khi nếu Nhà nước không hỗ trợ, để doanh nghiệp tự “bơi” thì rất khó”. Cũng theo đánh giá của ông Hò, nếu tính riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 15-20% số nhân lực trong ngành du lịch tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo bài bản - một con số khá khiêm tốn. 

Trong khi đó, quy trình đào tạo ở nhiều nơi cũng nảy sinh những bất cập, chủ yếu là chưa thống nhất được những tiêu chuẩn về kỹ năng nghề. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam vì đây là bộ tiêu chuẩn mang tính quốc tế, phù hợp với tiêu chuẩn của ASEAN. Tuy nhiên, khi về đến từng vùng miền, địa phương thì bộ tiêu chuẩn này cũng phải áp dụng linh hoạt để phù hợp với thực trạng và tình hình phát triển của từng nơi. Đây cũng là một trong những điều khiến doanh nghiệp dù muốn, nhưng cũng khá băn khoăn trong việc lựa chọn phương án đầu tư nhân lực để đào tạo thế nào vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, vừa trang bị đủ kiến thức để người lao động tự tin hội nhập quốc tế.