Tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương:

Doanh nghiệp dệt may hưởng lợi gì?

ANTĐ - Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào những vòng đàm phán cuối. Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam “đứng đầu bảng” trong danh sách các ngành được hưởng lợi vì 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành này được xuất vào các nước thành viên TPP. 

Thay đổi tư duy, doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cơ hội

Khi đó, thuế suất xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia TPP. Nhưng vấn đề đặt ra là hiện nay phần lớn các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của Việt Nam là doanh nghiệp FDI, chỉ có một số doanh nghiệp lớn trong nước như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có cơ hội, số đông còn lại là doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ trong nước sẽ khó tham gia vào TPP. Điều này đồng nghĩa với việc ưu đãi về thuế khi tham gia TPP sẽ thuộc về doanh nghiệp FDI. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng- Tư vấn trưởng đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia, ngành dệt may có tiềm năng xuất khẩu cao với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 tỷ USD/năm, mỗi năm thu hút hơn 2 triệu lao động. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp trong nước chủ yếu làm gia công nên không chủ động được thị trường. Các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) sắp ký kết được cho là lực hút lớn đối với các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nguyên liệu trong thời gian gần đây. 

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may ở Việt Nam hiện nay đa số là của Trung Quốc. Các doanh nghiệp này cũng thường nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc (quốc gia không thuộc khối TPP) nên lợi ích không hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp FDI khi hàng dệt may xuất khẩu không đảm bảo yêu cầu xuất xứ theo quy định của TPP. “Vinatex sẽ hưởng lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng được thúc đẩy để đầu tư cho đầu vào hơn nữa”- ông Phạm Tất Thắng nói. 

Đứng trên quan điểm cho rằng doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may sẽ hưởng lợi lớn từ TPP, các chuyên gia cho rằng đó chính là lý do khiến gần đây các doanh nghiệp FDI thì Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đổ xô đầu tư vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam, đặc biệt là hướng vào các ngành ở thượng nguồn như: kéo sợi, dệt nhuộm… để “đón đầu” FTAs. 

Trước áp lực cạnh tranh đó, theo ông Phạm Tất Thắng, điều đáng lo ngại nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là tư duy vụn vặt. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa có tư duy ăn xổi ở thì, tầm nhìn hạn chế chứ không phải là vốn. Vì vậy, để hưởng lợi, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy. TPP là cú hích để các doanh nghiệp này thay đổi tư duy”- Tiến sĩ Phạm Tất Thắng phân tích. Cũng theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. “Những cơ hội sẽ đến rất sớm vào ngay năm sau, 2015 khi cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời. Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để đón cơ hội từ đây, thay vì chỉ chú ý đến TPP”- ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.