Doanh nghiệp đề xuất được chủ động để “thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Gần 20 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, góp ý về Dự thảo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến.
Người dân, doanh nghiệp chờ đợi được hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trạng thái "bình thường mới"

Người dân, doanh nghiệp chờ đợi được hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trạng thái "bình thường mới"

Theo Chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo tài liệu hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp vừa sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, vừa phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Dự thảo này có chia ra các quy mô để đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp phòng dịch thích ứng theo 4 cấp độ. Thời gian đánh giá và chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch là hàng tuần và trong 2 tuần liên tiếp.

Góp ý cho dự thảo này, đại diện các hiệp hội cho rằng, dự thảo vẫn chưa đặt doanh nghiệp ở vai trò chủ động mà vẫn đặt trong sự sắp xếp, thiết lập các kế hoạch của các cấp hành chính. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp vẫn sẽ rất bị động và có thể làm nảy sinh nhiều quy trình thủ tục hành chính phức tạp.

Do đó, các hiệp hội đề xuất Ban chỉ đạo sửa đổi các quy định, trực tiếp làm rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất... Đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền thiết lập mô hình phối hợp công - tư chặt chẽ để đồng bộ hóa các nguồn lực, nâng cao năng lực triển khai của các bên, cũng như cơ chế, tiêu chí giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc tuân thủ của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất đối với các hướng dẫn trong tài liệu này.

Bản góp ý nhấn mạnh: “Việc thực hiện Hướng dẫn này không được phép làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, doanh nghiệp. Tài liệu hướng dẫn thích ứng an toàn cần được quy định như là tài liệu có thể áp dụng ngay vào đời sống và có giá trị pháp lý cao nhất, các địa phương chỉ tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp hiểu chứ không có quyền phê duyệt phương án của doanh nghiệp;

Giao doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về phương án của mình. Chính quyền địa phương có trách nhiệm rà soát việc thực thi, đáp ứng các quy định trong quá trình doanh nghiệp vận hành, động viên và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng chứ không cấm doanh nghiệp”.

Trong trường hợp để các cấp chính quyền gia tăng niềm tin với doanh nghiệp, giải pháp trong khâu thực thi được đề xuất là chính quyền và doanh nghiệp thảo luận, lựa chọn/mời một bên thứ ba (có thể là đơn vị tư vấn, nhóm chuyên gia tư vấn) có uy tín với cả chính quyền lẫn doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng phương án và thực thi phương án sản xuất kinh doanh an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp lẫn chính quyền kiểm tra các điều kiện vận hành.

Nhóm này cũng không có thẩm quyền cấp phép, nhưng sẽ giảm bớt gánh nặng và tạo sự yên tâm cho chính quyền.

Để tránh sự chồng chéo trong thực thi, các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị ban soạn thảo làm rõ tài liệu này có thay thế các Chỉ thị trước của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, như: Chỉ thị số 15/CT-TTg, 16/CT-TTg, 19/CT-TTg và Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG... không hay thay thế nội dung nào, nếu không sẽ dễ tạo nên tình trạng chồng chéo trong quy định, lúng túng trong thực thi.