Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đủ năng lực giải quyết "bài toán Việt Nam"

ANTD.VN - Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ như: phần mềm kế toán Misa, ứng dụng gọi xe Be, Vinsmart, Zalo… cạnh tranh với ứng dụng của doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới, góp phần giải quyết “bài toán Việt Nam”.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đủ năng lực giải quyết "bài toán Việt Nam" ảnh 1

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp lớn trên thế giới

Việt Nam có nhiều sản phẩm công nghệ vượt trội

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng “bài toán Việt Nam” hiện nay là tình trạng năng suất lao động thấp, phát triển bền vững, bẫy thu nhập trung bình và các bài toán của đô thị Việt Nam. Công nghệ chính là chìa khóa để giải quyết các bài toán này.

Tham luận về chủ đề “giải bài toán Việt Nam” trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạnh khoa học công nghệ lần thứ 4. Mỗi địa phương phải tìm ra những giải pháp công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề vận hành bộ máy.

Đối với Hà Nội, trong 3 năm qua, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử của TP Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Hơn 9 triệu dân được đưa vào cơ sở dữ liệu dân cư, vấn đề kết nối giữa sở ban ngành, cơ quan liên quan đến thành phố được thực hiện nhanh gọn. Các dịch vụ công trực tuyến được xử lý nhanh chóng.

Hà Nội hiện có 3.530 doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đang hoạt động trên địa bàn đã tạo ra doanh thu 244.266 tỷ đồng năm 2018, cho thấy Hà Nội đang thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, phục vụ phát triển thành phố thông minh.

"Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu, thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ, tích hợp và khai thác các dịch vụ số, ứng dụng tối đa các văn bản điện tử, sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số, tăng ứng trên thiết bị di động, chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân, khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có cơ chế thoáng để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Ông Nguyễn Thế Tân - Phó tổng giám đốc Công ty VCCorp cho biết, những công ty hàng đầu thế giới cũng là các công ty công nghệ như Google, Facebook... Họ đứng đầu cả về số người sử dụng, doanh số, tầm ảnh hưởng, giá trị thị trường. 

Các doanh nghiệp này được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là Google, Facebook... làm ra những sản phẩm dịch vụ hoàn toàn toàn mới, giải quyết vấn đề mới. Nhóm thứ hai là giải quyết các nhu cầu cũ bằng xây dựng mô hình kinh doanh mới, phương pháp mới, dựa trên các công nghệ của họ.

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G... Trong mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác.

Đồng quan điểm này, ông Lữ Thành Long- Chủ tịch Công ty Misa cho hay, MISA cũng đã tham gia vào bài toán chuyển đổi hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử, tiết kiệm tới 10.000 tỷ.

“Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn cho đặc thù cho Việt Nam mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể làm được. Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới nhất như Blockchain, AI, Machine Learning,... vào các sản phẩm”- chủ tịch Misa nói.

Cần chính sách ưu đãi để phát triển

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Mỹ và Trung Quốc hiện là 2 cường quốc về CNTT. Hiện cả 2 quốc gia này đều ưu đãi về thuế (doanh nghiệp CNTT không phải đóng thuế) trong khi doanh thu hàng trăm tỷ USD, nhưng tại Việt Nam, mức thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng đang chiếm 10-15% doanh thu của doanh nghiệp.

Do vậy, có những doanh nghiệp Việt Nam "không dám làm". Bên cạnh đó, chính sách quản lý doanh nghiệp CNTT còn nhiều bất cập.

Đồng quan điểm này, ông Thanh Hải - Tổng giám đốc công ty cổ phần Be cho biết: "Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ”.

Đề xuất giải pháp cho bài toán này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài.

Bên cạnh đó, “để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống. Be Group cũng cam kết đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp khách trong tiến trình xây dựng và làm chủ hệ sinh thái công nghệ Việt Nam"-đại diện Be Group khẳng định.

Theo ông Eric Sidgwick- Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, để nâng cao tính sẵn sàng cho kinh tế số, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, đầu tư chất lượng giáo dục và kỹ năng, đồng thời tạo hệ sinh thái công nhệ starup thuận lợi tạo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp phát triển. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ và đổi mới công nghệ.